15 cách nuôi dạy trẻ tốt nhất

 Môi trường gia đình đóng vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Nhân cách của mỗi người, có thể nói, bắt đầu hình thành ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Vậy để bé hình thành và phát triển nhân cách tốt nhất các bậc phụ huynh cần phải làm gì?

 1. Thể hiện tình yêu thương bé một cách vô điều kiện: Không phải chỉ khi bé cư xử lễ phép, đạt điểm tốt, hay giúp mẹ công việc nhà mà cả những lúc bình thường bạn cũng nên thể hiện sự yêu thương với bé.

2. Mỗi ngày bạn cần nói với bé rằng “bố/mẹ yêu con”. Nếu bạn cảm thấy thật khó khăn khi nói điều này thì cũng có nghĩa là đã đến lúc bạn cần phải tập nói nó.

3. Tin tưởng bé: hãy nói và làm những điều để bé thấy được sự tin tưởng của bố mẹ dành cho chúng. Nên tin vào khả năng của bé và nói với bé “bố/mẹ tin con sẽ làm được”.

4. Làm gương tốt cho bé học theo: Bạn muốn bé có những phẩm chất gì thì bản thân bạn phải làm gương trước. Và hãy dành thời gian nhiều bên cạnh con cái để chúng có thể cảm nhận và học hỏi được những điều đó qua thái độ, hành động của bạn.

5. Luôn nói về những phẩm chất mà bạn muốn bé có được: Bạn hãy kể cho bé nghe các câu chuyện về những tấm gương có phẩm chất đạo đức mà bạn muốn con học theo. Và khi bé có những hành động và lời nói thể hiện được những phẩm chất như vậy, bạn cần đưa ra những lời khen ngợi kịp thời dành cho bé.

6. Luôn tự hỏi bản thân mình “Điều tốt nhất nên nói với con bây giờ là gì?” nhất là khi bé phạm lỗi hoặc khi bé rơi vào trạng thái căng thẳng.

7. Lựa chọn những cuốn sách hay để đọc cho bé: Đó có thể là những cuốn truyện tranh, truyện cổ tích, sách về loài vật, những câu đố,…

8. Giúp bé hiểu rõ hơn về điều bạn cần chuyển tải: Khi bạn kể chuyện, đọc sách,… cho bé, bạn cần giúp bé hiểu rõ những bài học tích cực chứa đựng trong đó bằng cách đặt ra những câu hỏi, liên hệ thực tế… phù hợp với lứa tuổi của con.

9. Luôn tạo ra một không khí gia đình yêu thương, nhẹ nhàng: Cố gắng giữ được sự bình tĩnh trong lời nói, thái độ và hành động ngay cả khi bạn mệt mỏi, căng thẳng, tức giận,…

10. Nếu bạn gây ra lỗi với bé thì hãy xin lỗi: Bé sẽ tôn trọng bạn hơn thay vì bạn luôn cố gắng phủ nhận lỗi mình gây ra.

11. Hãy nhìn cách nuôi dạy trẻ của các phụ huynh khác để từ đó học hỏi và áp dụng những điều tích cực. Có những điều bạn thấy không hợp lý, hãy xem xét lại mình có vấp phải hay không và nên tránh lặp lại những lỗi đó

12. Hãy hỏi những trẻ mà bạn biết hoặc được gặp “Con thích bố mẹ nói và làm những điều gì cho con?” Đây cũng là cách để giúp bạn hiểu sâu hơn về con trẻ và cả những sở thích hay điều khó nói lẫn mong muốn từ chúng.

13. Giúp bé học hỏi ngay từ trong sai phạm: khi bé phạm lỗi, bạn hãy giúp bé học được những điều cần thiết từ những lỗi bé gây ra. Tránh sự trách phạt nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.

14. Hãy thể hiện mình là những ông bố, bà mẹ có cách nhìn, cách suy nghĩ tích cực, lạc quan trước mọi vấn đề.

15. Mỗi ngày bạn nên tự hỏi “ Mình nên nói gì và làm gì để trở thành người mẹ tốt”

Thu Thủy

Leave a Comment