Từ đặc điểm lịch sử, khi Huế là kinh đô của nước Việt, các món ăn ngon khắp ba miền có đủ điều kiện để hội tụ về đây. Qua bàn tay biến tấu tài hoa của các đầu bếp hàng đầu nơi cung cấm, những món ăn ngon ở Huế càng trở nên đặc sắc. Trong những món ăn nổi tiếng được khoát lên mình chiếc áo hoàng gia, cần phải kể đến món Bánh nậm.

Bánh nậm Huế đúng chuẩn phải được gói bằng lá dong. Chiếc bánh mỏng tanh, mềm mướt nhưng vô cùng đậm đà. Phần nhân được làm từ tôm bạc thiên nhiên tươi sống. Thịt lợn chọn phần nạc, thơm ngon.
Bánh lên đĩa yêu cầu vẫn còn nóng nhưng không ướt mà mềm, có độ dẻo nhất định. Lúc thưởng thức, người dùng sẽ tự mở lá, ăn đến bánh nào mở lá bánh đó để đảm bảo bánh vẫn nóng, dậy mùi thơm. Khi ăn, cho thêm lên trên chút nước mắm ngọt kèm lát ớt tươi.
Bánh nậm Huế chắc chắn ăn một lần sẽ nhớ mãi. Đến Huế, không thưởng thức bánh nậm thì thật đáng tiếc vô cùng.
Cách làm bánh nậm chuẩn vị Huế không quá khó nhưng cầu kỳ, tỉ mẫn từ khâu chọn lá, tôm đến pha nước chấm. Tuy nhiên, không vì thế mà không thể tự làm được chiếc bánh nậm thơm ngon ngay tại nhà. Hoàn toàn có thể thay thế những thứ phức tạp bằng những công đoạn đơn giản hơn để mọi căn bếp đều có thể dậy mùi thơm món bánh nậm đặc biệt này.
Cách làm bánh nậm đơn giản ngay tại nhà
Nguyên liệu:
- Lá dong hoặc lá chuối
- 1 chén bột gạo
- 250gr tôm tươi
- 100gr thịt lợn nạc
- Hành lá, hành tím
- Dầu ăn
- Nước mắm, muối, hạt nêm, tiêu, đường
Bạn có thể cho thêm màu hạt điều để phần nhân trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc “hạt điều có an toàn cho sức khỏe?” Do đó, người nấu nên cân nhắc trong việc sử dụng loại màu này.
Thực hiện cách làm bánh nậm Huế:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
– Lá chuối ra khổ vừa tầm 4/5 gang tay. Với lá dong, cắt bỏ bớt hai đầu. Rửa sạch lá, để ráo nước. Chần lá qua nước sôi cho lá mềm, dẻo.
– Tôm thịt ngâm muối rửa sạch.
– Hành lá cắt nhỏ.
Bước 2: Phần nhân
– Thịt nạc băm nhuyễn. Ướp thịt khoảng 20 phút với hành tím băm, muối, hạt nêm, tiêu, đường.
– Tôm tươi luộc sơ qua. Bóc vỏ. Dùng cối giã tơi phần tôm này. Có thể thay thế bước này bằng máy xay sinh tố. Ướp phần tôm giã tơi bằng hành tím băm, tiêu, muối, hạt nêm và đường.
– Sau khi tôm, thịt ngấm gia vị. Cho tôm vào chảo cháy cho săn thịt tôm lại. Tiếp tục cho phần thịt nạc băm nhuyễn vào đảo liên tục ở mức lửa lớn. Lưu ý cho thịt vào từ từ từng ít một, đảo đều tay để thịt không bị vốn cục. Khi thịt săn đều, hạ lửa. Cho thêm vào một thìa nước mắm. Để thịt, tôm chín tới, ráo nước, dậy mùi thì cho phần hành lá cắt nhỏ vào đảo đều và tắt bếp.
Chú ý: Nếu muốn sử dụng thêm màu hạt điều để bánh có màu đẹp hơn, có thể cho màu hạt điều vào trong quá trình xào tôm thịt.
Bước 3: Pha bột
– Pha bột theo tỷ lệ 1 chén bột gạo : 2 chén nước ấm. Khuấy đều bột trong nước cho đến khi tan đều, không bị lợn cợn, vốn cục. Có thể lượt qua rây để chắc chắn bột tan đều.
– Cho vào bột 1,5 thìa dầu ăn, ½ thìa hạt nêm.
– Khuấy bột trên lửa vừa cho đến khi bột sánh đặc nữa chín nữa sống là được.
Bước 4: Gói và hấp bánh
– Gói bánh ngay khi bột vẫn còn ấm.
– Cho 1 thìa bột vào giữa lá, dùng muỗng tán nhẹ phần bột ra xung quanh.
– Tiếp tục, cho lên trên bột 1 thìa nhân tôm thịt.
– Gấp mí lá hai bên vào nhau sao cho mí lá này chống lên mí lá kia. Chiều rộng bánh tầm 7cm là được. Tiếp tục gập hai đầu lá vào nhau. Chiều dài bánh khoảng 12cm.
– Dùng tay vuốt nhẹ chiếc bánh mới gói xong nhằm giúp bánh trải đều.
– Hấp bánh bằng nồi hấp chuyên dụng hoặc sử dụng cách chưng cách thủy bằng nồi thông thường đều được. Khi xếp bánh vào nồi, cần xếp đứng cạnh dài của bánh xuống dưới nhằm đảm bảo mọi chiếc bánh đều được tiếp xúc đủ với hơi nóng.
– Thời gian hấp bánh kể từ khi nước sôi là 15 phút.
Bánh nậm cần thưởng thức ngay lúc còn nóng. Bánh đạt chuẩn mềm, mịn, mỏng nhưng không ướt, có độ dẻo vừa phải. Bánh thơm ngon đậm đà, không còn vị tanh của tôm. Phần nhân không vốn cục mà trải đều trên bánh trông đẹp mắt. Bánh rất thích hợp cho các bé đang tuổi ăn dặm hoặc thay đổi khẩu vị cho các bé biếng ăn.
Thử luôn hôm nay để món ngon đặc sản của Huế nằm ngay trong căn bếp nhà mình nhé!
Leave a Comment