Công dụng tuyệt vời của khoai mỡ đối với sức khỏe

Khoai mỡ (khoai tím) với nhận dạng màu tím đặc trưng khá bắt mắt. Đây là loại củ thường được các chị em sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn tạo màu sắc hấp dẫn, như: nấu canh, làm bánh, nấu chè, nấu cháo,…

Khoai mỡ vẫn được sử dụng hàng ngày như một loại thực phẩm thơm ngon nhưng ít ai để ý đến công dụng tuyệt vời của nó đối với sức khỏe. Trong khoai mỡ có chứa lượng lớn các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa đặc biệt có ích cho cơ thể con người.

khoai mo tim

Theo phân tích của các nhà khoa học, trong mỗi 100g khoai mỡ nấu chín sẽ chứa khoảng:

  • 10mg vitamin C
  • 0,3mg vitamin B6
  • 9mg Kali
  • 0,47mg Mangan
  • 4g chất xơ
  • 27g carbohydrate

Và một lượng đáng kể các chất như: Sắt, Canxi, Vitamin A, Natri, chất xơ, chất béo. Đặc biệt, lượng lớn chất chống oxy hóa vô cùng quan trọng đối với cơ thể.

Công dụng của khoai mỡ

Có thể thấy, khoai mỡ có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể:

1. Bảo vệ tim mạch, hạ huyết áp

Nghiên cứu chỉ ra rằng, chất chống oxy hóa sẽ giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi những rắc rối mà các gốc tự do gây ra. Gốc tự do chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề cho cơ thể như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì và ung thư.

Chất Anthocyanin trong khoai mỡ là thành phần vô cùng quan trọng giúp giảm huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra khả năng giảm huyết áp của khoai mỡ tương tự như các loại thuốc hạ huyết áp thông thường.

Trong khi đó, lại có nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa trong khoai mỡ có thể ngăn chặn từ đầu nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp của cơ thể.

Kiểm soát huyết áp cao cũng chính là cách cần thiết để bảo vệ cho quả tim được khỏe mạnh.

Tuy vậy, ngoài việc bổ sung khoai mỡ trong thực đơn hàng ngày, vẫn cần phải tìm đến sự tư vấn của bác sĩ khi cơ thể có những biểu hiện chính thức của căn bệnh huyết áp hay tim mạch.

2. Góp phần bảo vệ cơ thể trước một số loại Ung thư

Hai loại Anthocyanin có trong khoai mỡ gồm Cyanidin và Peonidin có thể giảm sự phát triển của một số tế bào ung thư, như:

Ung thư đại tràng: Đã có một số nghiên cứu cho thấy khoai mỡ làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư đại tràng trên cơ thể người. Trong khi đó, khối u ở động vật có thể suy giảm đến 45% nhờ vào chế độ dinh dưỡng chứa nhiều cyanidin.

Ung thư phổi: Nghiên cứu chỉ ra rằng, thành phần Peonidin trong khoai mỡ có tác dụng làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư phổi.

Ung thư tuyến tiền liệt: Lượng Cyanidin trong khoai mỡ cũng có tác dụng làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở người.

Tuy vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định chỉ cần ăn khoai mỡ có thể giúp con người thoát khỏi căn bệnh ung thư. Nhưng, qua đó có thể thấy, việc sử dụng thường xuyên khoai mỡ trong bữa ăn hàng ngày, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.

3. Giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ sắt

Có thể thấy, lượng lớn Vitamin C trong khoai mỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào cơ thể được khỏe mạnh. Vitamin C cũng là chất xúc tác không thể thiếu giúp tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể và bảo vệ ADN trước những tác động xấu. Việc hấp thu đủ lượng vitamin C cần thiết cũng giúp cơ thể gia tăng mức độ chống oxy hóa.

4. Là loại thực phẩm có tác dụng cải thiện các triệu chứng hen suyễn

Hầu hết các trường hợp liên quan đến bệnh hen suyễn đều có lượng Vitamin A trong cơ thể thấp. Lượng vitamin A mà bệnh nhân hen suyễn có thể hấp thụ được chỉ tương đương 50% so với người bình thường.

Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu vitamin C cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở người.

Khoai mỡ chứa lượng lớn vitamin A và vitamin C. Do đó, việc thường xuyên ăn khoai mỡ sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn cũng như cân bằng các vitamin A & C trong cơ thể.

5. Kiểm soát lượng đường trong máu

Khoai mỡ còn được biết đến với khả năng làm giảm lượng đường trong máu ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Chất Flavonoid có trong khoai mỡ còn giúp cơ thể sản xuất insulin- một chất cần thiết để cơ thể kiểm soát lượng đường cũng như làm giảm khả năng hấp thụ đường.

Đây là lý do đáng để bổ sung khoai mỡ trong bữa ăn hàng ngày. Có thể xem khoai mỡ như loại thực phẩm cần thiết nhằm hỗ trợ giảm nguy cơ tiểu đường ở người bình thường và kiểm soát lượng đường ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2

6. Khoai mỡ giúp bảo vệ đường ruột khỏe mạnh

Nghiên cứu cho thấy, loại tinh bột đề kháng có trong khoai mỡ có tác dụng làm gia tăng lượng bifido trong đường ruột. Những Bifido này có ý nghĩa trong việc phân hủy các loại carbohydrate và chất xơ phức tạp. Giúp giảm nguy cơ trước các căn bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, và cả nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tóm lại: Từ những tác dụng trên, có thể thấy, khoai mỡ là loại củ có giá trị lớn đối với sức khỏe mỗi chúng ta. Việc bổ sung khoai mỡ trong thực đơn hằng ngày là cần thiết.

Khoai mỡ còn là loại thực phẩm ngon, rẻ, dễ chế biến. Món ăn làm từ khoai mỡ luôn mang lại màu sắc bắt mắt, kích thích vị giác. Người ta sử dụng khoai mỡ rất nhiều trong làm bánh, món ăn vặt hay dùng làm món ăn ngon trong bữa cơm hàng ngày.

Cách nấu chè khoai mỡ

Nguyên liệu cần có:

  • 700g khoai mỡ
  • 200g đậu xanh
  • 200g đường
  • Hương vani

Cách làm:

Ngâm đậu xanh trong nước ấm tầm 45 phút cho đậu nở mềm rồi rửa sạch, loại bỏ hạt kém chất lượng.

Khoai mỡ gọt bỏ vỏ. Cắt lát vừa phải.

Chú ý: Lớp thịt bên ngoài nằm sát phần vỏ là nơi chứa nhiều màu tím nhất, do đó, khi gọt vỏ nên gọt thật mỏng để phần thịt màu tím vừa đẹp, bổ này không bị mất đi.

Cho toàn bộ số khoai mỡ vừa cắt lát cùng đậu xanh đã ngâm mềm vào nồi. Thêm nước vừa ngập mặt khoai đậu là được. Nấu khoai ở lửa to cho đến khi sôi thì hạ lửa. Vớt hết bột nổi lên trên.

Tiếp tục để ở lửa nhỏ nấu cho phần khoai đậu này chín mềm.

Sau khi khoai đậu mềm nhừ thì dùng vá tán nguyễn toàn bộ. Có thể sử dụng máy xay sinh tố để tiết kiệm công sức ở công đoạn này.

Thêm vào phần khoai đậu mới nghiền nhuyễn 200g đường và đặt lại lên bếp nấu lần hai ở lửa vừa. Lúc này cần khuấy đều liên tục để chè không bị sít ở đáy nồi.

Chè khi cho đường vào sẽ loãng ra so với lúc đầu. Nếu thấy chè vẫn quá đặc, có thể cho thêm vào lượng vừa phải nước sôi.

Tiếp tục nấu cho chè sôi lại thêm khoảng 5 phút nữa để đường tan hoàn toàn.

Thêm hương vani để tăng mùi thơm hấp dẫn cho món chè khoai mỡ /chè khoai tím.

Chè sau khi nấu xong, nên múc ra chén ngay khi còn nóng sẽ cho chén chè đẹp mắt hơn.

Chè khoai tím/ khoai mỡ ăn nóng hay thêm đá đều rất thơm ngon. Khi ăn có thể cho thêm nước cốt dừa, đậu phông rang vàng để tăng độ hấp dẫn cho món ăn.

Cách làm quá đơn giản, cho món ăn ngon, tốt sức khỏe, ngại gì không thử!

>> Bạn có thể thích xem cách nấu chè khoai môn.

Leave a Comment