“Cứ mỗi lần con khóc thét lên là tôi buộc phải chiều theo ý chúng”- gần như là tâm lý chung của hầu hết các ông bố, bà mẹ. Vậy phải làm sao để trẻ chấp nhận câu trả lời “không” từ người lớn?
Để trẻ chấp nhận lời từ chối: hầu hết các bé đều thích được người lớn chiều chuộng và đáp ứng tất cả những nguyện vọng của mình. Để đạt được điều mình muốn, mỗi bé có những “chiêu thức” khác nhau để vòi vĩnh người lớn. Nhưng đa phần các bé đều sẽ chọn biện pháp “năn nỉ ỷ ôi” và khóc như tuyệt chiêu cao nhất và cuối cùng tối cần thiết phải vận dụng.
Đứng trước “chiêu độc” này của con cái, các ông bố, bà mẹ gần như rất khó kiềm lòng để có thể không đáp ứng những đòi hỏi của con. Từ đó, trong ý thức trẻ dần hình thành nên suy nghĩ mình có thể có tất cả những gì mình muốn nếu ra sức kì kèo, khóc lóc. Điều đó dẫn đến hệ quả là trẻ rất khó có thể chấp nhận lời từ chối từ những người xung quanh, đặc biệt là người thân của mình. Tình trạng kéo dài, vô tình phụ huynh đã xây dựng nên tính cách xấu trong con.
Hãy cho bé biết bé cũng phải chấp nhận lời “từ chối” với những trường hợp bất hợp lý. Bên cạnh đó, bố mẹ càng nên để trẻ hiểu khóc lóc sẽ không mang lại kết quả như chúng muốn. Đây không chỉ là điều cần thiết để tạo cho bé thói quen tốt, mà còn giúp bố mẹ tránh được những tình huống khó xử khi trẻ đứng trước rất nhiều thứ cuốn hút, trong những lần được cùng người lớn đi ra ngoài.
Nói “không” và giữ nguyên lập trường: Nhiều bậc phụ huynh sau khi nói “không” với con nhưng sau đó lại mau chóng thay đổi lập trường bởi không chịu được những sự van nài, mè nheo của trẻ. “Mẹ ơi cho con coi phim thêm tí nữa, một tí nữa thôi!” hay “Mẹ ơi, con muốn ăn thêm kẹo!”, “Bố ơi, con thích cây súng điện tử, bố mua cho con đi!”,.…
Đứng trước những đòi hỏi không chính đáng của con, dù rất thương trẻ nhưng bạn cần chọn cho mình thái độ dứt khoát. Nếu bạn không dứt khoát ngay từ đầu sẽ rất khó kiểm soát thái độ của con trong những lần sau. Bạn cần giải thích cho trẻ hiểu quyết định của mình và từ chối thẳng thắng dù trẻ có bất kỳ biểu hiện gì. Chỉ thêm một lần nhượng bộ, bạn đã gián tiếp cho trẻ thấy “Mình cứ nài nỉ ỉ ôi thế nào bố mẹ cũng đồng ý”.
Chuyển hướng đề tài: Khi quyết định đưa ra câu trả lời “không” trước yêu cầu của bé cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối diện với những kì kèo, lẫy khóc của bé. Hãy kiên định và cố tìm cách chuyển hướng “đề tài” đang bàn luận sang một đề tài hấp dẫn khác. Đứng trước phản ứng đó của bố mẹ, trẻ hoặc sẽ nhận ra mọi nỗ lực, khóc lóc thảm thiết của mình không mang lại kết quả, hoặc trẻ sẽ nhanh chóng bị cuốn vào đề tài mới mà quên đi thứ mình đang “ra giá”.
Mọi người đã từng một lần như thế: Trong nhiều trường hợp, các bé “trở chứng” ngay giữa chốn đông người như khu siêu thị, trên bàn tiệc, … Đó luôn là những tình huống khó xử và khiến không ít các ông bố, bà mẹ cảm thấy xấu hổ. Song, bạn đừng vì áp lực từ mọi người “nhìn vào” mà tỏ ra nhượng bộ với con hay có ý nghĩ “thôi kệ”. Chúng ta cần bình tĩnh bởi phần lớn phụ huynh đang chứng kiến “vụ việc” đều đã từng rơi vào trường hợp tương tự. Chỉ có như thế bạn mới đủ sáng suốt để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả và tránh “làm to chuyện”. Tất nhiên, nếu bạn không kiềm chế được mình mà sử dụng biện pháp trừng phạt hoặc la mắng bé, chắc chắn bạn luôn là người thua cuộc.
Giúp bé hiểu ý nghĩa của việc mình làm: trẻ vẫn chưa đủ lớn để hiểu hết được về những hành động, đòi hỏi của mình nếu không có sự chỉ dạy của bố mẹ. Trong mắt trẻ chỉ quan tâm đến việc làm sao để có được những gì mình thích. Và vì thế, khi bị từ chối, trẻ sẽ có tâm bố mẹ quá khắc khe, khó tính, không quan tâm đến sở thích, nhu cầu của mình. Do đó, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để nói với trẻ về những việc nên và không nên. Cũng có thể dẫn chứng cho con thấy phản ứng của mọi người trước những hành động không ngoan của các bạn đồng trang lứa mà trẻ có thể nhìn thấy ở mọi nơi.
Bạn cũng có thể đưa ra lời đề nghị về một “chiến dịch” nhỏ nhỏ nào đó để giúp trẻ có được thứ mình muốn như: tiết kiệm tiền ăn quà vặt để mua chiếc kẹp bé thích; giúp mẹ nuôi gà để có tiền cho sở thích sưu tập tem; thi quét nhà với em để có được món đồ chơi cả hai cùng thích; học ngoan cả tuần mẹ sẽ thưởng chuyến đi công viên;….
Việc nói “không” với con là hành động cần thiết để hình thành thói quen chấp nhận cho các bé. Sau vài lần như vậy trẻ sẽ hiểu được thông điệp từ người lớn, và tất nhiên, trẻ cũng hiểu được những đòi hỏi vô lý của mình sẽ không bao giờ có được sự đồng thuận từ người lớn. Từ đó hình thành thói quen tốt cho trẻ cũng như giúp bố mẹ tránh được những tình huống khó xử không mon muốn.
Tú Oanh
Leave a Comment