Con trẻ có là nô lệ của chúng ta?

“Mẹ đã bảo con không được nói như thế cơ mà!”, “Con phải làm như thế, đấy là mệnh lệnh!”, “Con không được cãi lại lời mẹ, như thế là hư!”,…và nhiều câu nói đại loại như thế luôn là câu cửa miệng của những bà mẹ có con từ tuổi lên ba. Đó thực chất là sự áp đặt mà người lớn luôn tìm cách áp chế trẻ, bắt trẻ phải tuân theo vô điều kiện. Không còn cách nào khác, trẻ nén chịu cảm xúc trong lòng và trở thành nô lệ trung thành của cha mẹ chúng.

Một thử nghiệm về điều đó. Đứa trẻ lên ba đang mê miết khám phá sự kỳ diệu của nước, chúng ao ước được thử nghiệm cách nước làm sạch quần áo như thế nào, việc mà chúng vẫn thấy mẹ làm hằng ngày. Nhưng, cộng việc nghiên cứu quan trọng này liệu sẽ như thế nào nếu mẹ của chúng phát hiện ra cậu trai đang ướt mẹp cùng thau nước với mấy bộ quần áo bẩn từ hôm qua. Phản ứng của mẹ thường là gì? Là “Đứng lên mau, trời ơi! ướt hết rồi!”, “bẩn quá đi mất, con chơi thế mà được à?”,…hay tương tự như thế. Tất nhiên, phản ứng đầu tiên của trẻ thường không ngoan ngoãn chấp nhận mà giãy nãy: “Nhưng con muốn….” Trẻ có được bày tỏ hết những gì mình đang nghĩ? “Đứng lên mau, bước vô nhà ngay cho mẹ!”. Trẻ khóc òa và mẹ cho rằng trẻ thật chẳng ngoan lại còn hay quấy khóc.

Cũng với mẫu chuyện đó, nhưng chiều hướng câu chuyện sẽ thay đổi nếu mẹ nhẹ nhàng hơn

– Con yêu, con đang làm gì thế?

– Con đang muốn giặt đồ giúp mẹ!

– Thế à!

– Dạ. Mấy bữa trước con thấy mẹ giặt đồ với nước, con muốn giúp mẹ, con sợ mẹ mệt.

– Ồ! Cảm ơn con.

– Nhưng con lỡ làm ướt hết cả đồ, con xin lỗi mẹ, con sẽ cẩn thận hơn ở lần sau.

Hiện thực là như nhau, trẻ đã tự làm ướt áo quần cũng như vấy bẩn toàn thân. Nhưng kết quả thì không giống nhau. Đứa trẻ đầu khóc thét lên trong thất vọng, chúng đã không có được bài học nào cả. Thậm chí, niềm đam mê khám phá ban đầu đã trở thành một hành động tội lỗi. Người mẹ vô tình giết chết đam mê trong con cái họ, đồng thời để lại vết thương trong lòng trẻ. Trẻ sẽ mãi cảm thấy việc khám phá những mới lạ hay học hỏi, trải nghiệm những khám phá luôn là một tội lỗi.

Trong khi đứa trẻ ở trường hợp thứ hai lại vô cùng hứng khởi, chúng biết cái mình được và chưa được, cái cần phải cố gắng hơn nữa. Trẻ bày tỏ được cả tình yêu với gia đình, người thân. Đồng thời, trẻ còn biết chủ động nhận lỗi. Đấy cũng là cách để trẻ không tái phạm lỗi trong tương lai.

Có bao nhiêu phần trăm các bà mẹ sẽ hành động như trường hợp thứ hai và bao nhiêu phần trăm đưa ra mệnh lệnh như tình huống đầu tiên!

Cách xử lý thứ nhất, mẹ đã biến trẻ thành nô lệ trung thành nhất của bản thân. Trẻ không bao giờ được là chính mình hay đơn giản là nói lên điều mình muốn.

Bà mẹ thứ hai mới chính là người biết cách giải phóng trẻ, tôn trọng trẻ như một sinh mạng đáng quý cần được tôn trọng.

Trẻ cũng cần được tôn trọng, được tự do khám phá, được học hỏi và có đầy đủ cảm xúc như chúng ta vậy. Hãy thử đặt mình vào vị trí của con cái để lắng nghe chúng, hiểu chúng hơn.

                                                                                                                     Lộc Xuân

Leave a Comment