Cùng con đóng vai

Không ít phụ huynh chia sẻ rằng họ không thể hiểu được con mình đang nghĩ gì, phương pháp giáo dục họ dành cho con đã đúng chưa, vì sao các bé luôn nãy sinh tâm tưởng chống đối, bé nghĩ gì về bố mẹ và đặc biệt, ở trường bé đã làm những gì, bị đối xử như thế nào?

Vậy, vì sao không cùng bé thử một trò chơi tên là đóng vai!

Đóng vai bố mẹ: Thường ngày, bạn là bố mẹ và nuôi dạy trẻ theo những gì bản thân cho là tốt nhất hoặc thậm chí đôi khi bằng cả bản năng. Thế nhưng, thực tế bạn lại hoàn toàn không thể cảm nhận được trẻ đang nghĩ gì về tất cả những gì bạn đã làm cho chúng. Bạn cũng không biết rằng mình làm như thế có đúng không, kết quả của việc làm đó như thế nào cho đến khi trẻ đủ lớn hay bộc lộ một cách rõ ràng ra bên ngoài bằng biểu hiện cụ thể. Và đó là lúc những cái chưa đúng gần như rất khó, đôi khi là không thể sửa chữa được nữa.

Vậy, vì sao bạn không thử cùng bé đổi vai trong một vài tình huống nào đó. Chẳng hạn, trong giờ chơi, bạn là bé và bé giữ vai mẹ. Bạn sẽ thực hiện vai thật giống như vương vãi đồ chơi khắp nền, vứt tung lên cả ghế sofa và hét ầm ỉ trong nhà. Lúc đó, vai mẹ của bé vừa đi làm về. Bé sẽ nói gì? Bé tỏ ra cáu tiết lên “Con hư quá, dọn đồ chơi vô cho mẹ, ngay lập tức!”. Ồ! Bé thì không ngoan thế và mẹ tiếp tục vừa dét vào mông vừa lớn giọng “Đồ ăn hại, có dọn ngay đi không thì bảo?” … Những hành động và lời nói của bé không khỏi khiến bạn giật mình “Con học cái này ở đâu ra?”. Đó thật ra là tất cả những gì mẹ đã nói với bé trong lúc giận dữ mà không nhận ra.

Tất nhiên, nếu bé nói với bạn rằng “Con trai, mẹ không thích mỗi khi đi làm về lại trông thấy cảnh nhà bề bộn thế này!”, “Đồ chơi vương vãi khắp nền và mẹ không thích thế!” hay nhẹ nhàng như “dọn đồ chơi đi con!”… điều đó có nghĩa rằng bé đã hiểu rõ và nhớ rõ những gì bạn làm cũng như phân biệt được đâu là cái bé cần học hỏi.

Đóng lại cảnh vừa diễn ra: Một hôm, đang nấu ăn trong bếp và bạn nhận ra bé quay về nhà với vẻ mặt buồn bực sau khi xin phép mẹ đi chơi cách đó vài phút. Bé sẽ không chấp nhận trả lời bất cứ câu hỏi nào từ bạn hoặc tỏ ra càng buồn bực gấp nhiều lần sau mỗi câu hỏi của mẹ “Sao con buồn thế?, có ai trêu con à?”- “Bạn Quân đánh con, thế mà con vẫn xem bạn ấy như người bạn thân nhất cơ đấy!”. Phụ huynh sẽ làm gì giúp bé?

Hãy cùng bé đóng lại cảnh vừa diễn ra và hãy để bé vào vai của người bạn thân của mình. Đó là cơ hội giúp bé và cả mẹ hiểu ra nguyên nhân vì sao cậu bạn nhỏ kia hành động như vậy. Đây cũng là cách bạn dạy cho bé về lòng cảm thông. Bé sẽ biết tha thứ và nhanh chóng quên đi nỗi buồn của mình.

Khi diễn, bạn và bé cũng nên cố tưởng tượng ra những tình huống ngược lại hoặc vẽ thêm diễn biến tiếp theo cho câu chuyện để qua đó giải tỏa cơn buồn của bé, hướng dẫn bé cách giải quyết vấn đề, đôi khi chỉ đơn giản như cách để bồi dưỡng trí tưởng tượng cho bé.

Giờ học ở trường: Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về nhiều vụ bảo mẫu hành hạ trẻ. Điều này đã gây ra không ít hoang mang lo lắng cho những bậc phụ huynh có con đang độ tuổi đi trẻ. Vì thế, sau mỗi buổi đón con từ trường, mẹ liên tục đặt ra các câu hỏi kiểu “cô có đánh con không?”, “con có ngoan không?”, “con ăn mấy chén?”,…

Những câu hỏi kiểu này không chỉ không mang lại thông tin đúng cho bạn mà còn khiến bé thêm cảm giác sợ hãi, ám ảnh bởi chúng chưa đủ lớn để hiểu rằng chúng bị đánh không phải vì chúng không ngoan. Vì thế, bạn đã vô tình làm sâu thêm những vết thương trong lòng trẻ với rất nhiều những chỉ trích “đồ đáng ghét, không biết nghe lời, hư hỏng,…”

Hãy dành một buổi tối để cùng con đóng vai cô giáo và trẻ. Khi bé là cô, chắc chắn bé sẽ dùng những gì đã được “học” tại lớp để đối xử với bạn. Đó là lúc bạn biết được tất cả mọi thứ mà không cần phải hỏi gì thêm càng không khiến bé hoản sợ hay lo lắng. Đương nhiên, với một cô giáo tốt, bé sẽ không ngại nói rằng “cô giáo của con rất yêu trẻ, mẹ ạ!”

Có rất nhiều cách để hiểu bé cũng như để biết bé nghĩ gì. Nhưng có lẽ cách hữu hiệu hơn hết chính là tình yêu và sự tâm huyết của bạn. Khi bạn nghĩ rằng việc chơi với bé, dạy bé học, hay tâm sự cùng bé như một niềm vui, sự giải lao, nghĩ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc, bạn sẽ nhận ra mọi việc thật đơn giản.

Lộc Xuân

Leave a Comment