Dưa Gang là loại quả khá phổ biến ở Việt Nam. Giá thành tương đối rẻ trong khi hàm lượng dinh dưỡng có trong dưa gang tương đối cao. Ngoài thành phần chính là nước – lên đến 95%, dưa gang chứa lượng lớn vitamin C, A, B, glucid, lipit, protit và cellulose.
Với thành phần dinh dưỡng trên, dưa gang đặc biệt phù hợp dành cho người đang thực hiện chế độ ăn kiêng giảm cân. Ngoài ra, dưa gang có tính mát với hàm lượng nước cao, nó thích hợp làm món ăn giải nhiệt trong mùa hè.
Dưa gang ngoài hình thức sử dụng như một loại rau ăn sống, nhiều người còn chế biến thành nhiều món ngon phổ biến, như: mắm dưa, dưa muối xổi, dưa muối, dưa xào, … Món dưa gang trộn đậu phộng là một cách khác làm mới và phong phú hơn cho loại quả ngon, bổ, rẻ này.
Món ăn hoàn thành vẫn đảm bảo giữ được độ tươi ngọt tự nhiên của dưa. Miếng dưa giòn rụm, thanh mát nhưng đậm đà bởi sự hòa quyện khéo léo của các loại gia vị, bên cạnh chút chua chua, ngọt ngọt thường thấy của các món trộn. Đậu phộng bùi thơm. Thi thoảng va phải hạt mè đen nổ bộp vui vui trên đầu răng.
Cách chế biến món dưa gang trộn đậu phộng vô cùng đơn giản.
Tiến hành thực hiện món dưa gang trộn đậu phụng:

Nguyên liệu:
- Dưa gang
- Rau thơm
- Đậu phộng
- Mè đen (mè đen sẽ làm món ăn trông đẹp mắt hơn)
- Hành tím, dầu ăn
- Muối, tiêu, hạt nêm, đường
- Ớt, chanh
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế dưa
– Dưa gang rửa sạch, bổ đôi, cắt lát mỏng.
– Cho vào dưa đã cắt mỏng 2- 3 thìa muối. Dùng tay trộn đều muối vào dưa.
– Để dưa thấm muối trong khoảng 45 – 60 phút.
– Sau khi dưa thấm muối và mềm bớt, chúng ta rửa lại dưa nhiều lần bằng nước sạch nhằm xả hết hạt và lượng muối ướp trong dưa.
– Vắt dưa cho thật ráo nước.
Bước 2: Chuẩn bị hỗn hợp gia vị trộn dưa
Cho ớt băm nhuyễn vào một chén nhỏ. Tiếp tục cho vào một thìa đường cát, ½ thìa hạt nêm, 1/3 thìa tiêu xay, 1 thìa nước cốt chanh. Trộn đều hỗn hợp gia vị trên vào nhau.
Lượng ớt cũng như các loại gia vị trên, tùy khẩu vị của từng người mà có thể gia giảm cho phù hợp. Ngoài ra, tùy vào thói quen sử dụng, có thể thay thế một phần hạt nêm trong công thức trên bằng bột ngọt. Tuy nhiên, bột ngọt thường không được đánh giá cao về độ an toàn đối với sức khỏe, mặc dù nhiều người vẫn xem nó như loại gia vị không thể thiếu.
Chú ý: Không cho thêm muối vào phần hỗn hợp này vì trong bước sơ chế, dưa đã ngấm đủ lượng muối cần thiết.
Bước 3: Sơ chế đậu, mè, rau thơm
– Rau để trộn dưa nên chọn rau húng (còn gọi là rau húng thái hoặc rau thơm). Rau rửa sạch, lặt bỏ cuống, để ráo nước.
– Đậu phộng rang vàng, chà bỏ vỏ. Tách hạt đậu làm đôi.
– Mè rang vàng thơm.
– Hành tím cắt lát mỏng, cho vào chảo dầu nóng phi đến khi vàng dậy mùi thơm.
Bước 4: Trộn dưa
– Cho toàn bộ chén hỗn hợp gia vị đã chuẩn bị ở bước 2 vào phần dưa gang đã vắt ráo nước. Trộn đều cho gia vị ăn vào dưa.
– Tiếp tục cho phần dầu và hành vừa phi thơm vào. Trộn nhẹ cho dầu bám đều.
– Tiếp tục cho phần mè rang vào.
– Rau thơm, đậu phộng được cho vào cuối cùng nhằm đảm bảo rau vẫn tươi, không bị bầm, đậu phộng giữ được độ giòn, thơm.
Chú ý: Ở bước trộn dưa, ta nên cho hỗn hợp gia vị vào đầu tiên và trộn đều. Kế đến mới cho dầu vào vì dầu dễ làm gia vị trôi đi và khó bám vào miếng dưa hơn.
Khi trộn dưa, nên giữ lại một lượng nhỏ đậu phộng, mè và rau thơm. Phần rau, đậu này được dùng để trang trí cho đĩa dưa thêm bắt mắt.
Cuối cùng, bày dưa ra đĩa và thưởng thức.
Với cách làm này, dưa vẫn giữ được độ giòn, ngọt, mát tự nhiên. Món ăn chua, ngọt, đậm đà đặc biệt thích hợp cho ngày hè nắng nóng.
Dưa trộn đậu phộng thật sự là món ngon kích thích vị giác. Thử ngay và kiểm nghiệm nhé!
Leave a Comment