Trẻ con, với sự ngây thơ, trong sáng vốn có của mình, luôn trở thành tâm điểm chú ý của mọi người ở bất đâu mà chúng xuất hiện. Cũng vì thế việc trêu đùa với trẻ gần như trở thành hiển nhiên. Nhưng không phải khi nào, kiểu đùa nào cũng đúng cách và tốt cho sự phát triển của trẻ. Vậy đùa như thế nào mới là đúng cách?
Chúng ta vẫn hay bắt gặp cảnh một bà mẹ kiên nhẫn ngồi chơi “ú òa” với con. Cứ sau mỗi lẫn phát hiện thấy khuôn mặt mẹ, đứa trẻ lại cười lên nắc nẻ. Đó là lúc người lớn đã đặt mình vào thế giới thú vị của trẻ, bằng phương thức trẻ có thể hiểu và chấp nhận để giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc. Phương thức này bao hàm cả sự ngây thơ vui vẻ, thậm chí là hóm hỉnh đầy trí tuệ.
Song không phải mọi biểu hiện vui đùa với trẻ đều đúng theo bản chất của nó mà đôi khi chỉ nằm ở sự thỏa mãn, thích thú của người lớn bằng việc lợi dụng sự ngây thơ của trẻ mà thôi. Những trường hợp thường thấy như mang “quả ớt” của bé trai ra trêu theo kiểu “cắt chim”, “giữ lại kẻo chim bay”, “cho chim ăn”, “gieo hạt giống”,…
Một vài người lại chọn cách trêu chọc trẻ bằng hù dọa như: “Ba đi theo dì rồi!” Trên thực tế, bé chưa đủ lớn để hiểu những gì người lớn nói và những câu trả lời ngây ngô của trẻ kiểu “ba không có dì, lần nào con cũng đi theo để giữ ba” hay “con kêu công an bắt bỏ tù”,… Có nhiều bé nhanh nhẹn hơn hay có thể gặp nhiều tình huống tương tự nên ra sức biện hộ cho bố. Trong những trường hợp như thế này, người lớn gần như đạt được sự thỏa mãn để cười rất khoái chí. Nhưng chính họ đã không nghĩ đến trẻ và cảm nhận của trẻ. Trẻ đang gặp phải những tổn thương rất lớn trong lòng. Vết thương này rất khó lành trong tâm hồn non nớt của bé, chúng sẽ lớn dần theo năm tháng và tạo ra những ức chế nhất định cho sự phát triển của chúng.
“Đùa” khi muốn cho bé thứ gì đó nhưng lại khiến bé phải mất nhiều lần bắt hụt, tìm kiếm hay thậm chí phải làm một số việc mà bé không muốn. Thậm chí, việc khiến bé khóc vì tức giận hay sợ hãi như dọa chó, ma, ông bị,… cũng trở thành một trong những cách đùa của người lớn.
Chúng ta tưởng rằng những trò rất thú vị này chỉ khiến trẻ cuống lên và khóc một lúc, sau đó cười xong là hết chuyện. Thực ra, hành vi này sẽ gây tổn thương cho trẻ về mặt tâm lý. Những trò đùa này chỉ khiến trẻ thấy bất an và không được tôn trọng, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi trong quan hệ xã giao và không tin tưởng vào người khác. Vì thế, khi gặp phải trường hợp không mong muốn, bố mẹ cần nhanh chóng đưa ra biện pháp ngăn chặn một cách lịch sự nhưng kiên quyết nhằm tránh để lại những hậu quả không mong muốn cho trẻ.
Phương Dung
Leave a Comment