Nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng rằng ngoài xã hội có quá nhiều vấn đề tiêu cực có thể ảnh hưởng đến con cái họ. Vì thế, ngăn chặn trẻ tiếp xúc với xã hội là cách tốt nhất để “bảo vệ” chúng khỏi những cạm bẫy xấu từ bên ngoài. Thực ra, cách làm này có phần cực đoan, vô tình chung đã đẩy con trẻ vào trạng thái tự ti, mặc cảm, nhút nhát, khó hoà nhập, thậm chí là cả các sang chấn về tâm lý.
Ở trẻ nhỏ, hoạt động và giao lưu là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Nhân cách của các em sẽ không thể phát triển bình thường nếu không được giao lưu với thế giới bên ngoài mà chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường cùng màn hình ti vi, máy tính. Cũng cần phải thấy, mạng internet là nơi chứa vô vàn những thông tin, hình ảnh độc hại với trí óc non nớt của trẻ khi mà chúng chưa hình thành được cơ chế đề kháng, chọn lọc, đánh giá… trước những thông tin này.
Vì vậy, cách khôn ngoan nhất là cần phải hình thành ở trẻ thói quen tự nhận thức, đánh giá được những cái xấu, điều không nên làm và đâu là những điều tốt, cần khuyến khích. Bố mẹ có thể giải thích và làm mẫu cho con từ những thói quen, tình huống đơn giản,… như: thấy con chơi với nhóm bạn, trong đó có bạn nói tục, bố mẹ có thể khuyên bảo: “nói như thế là không đẹp, không hay. Mọi người sẽ không thích khi nghe con nói như thế do đó con không nên học theo mà cần nhắc nhở bạn sửa chữa,…”
Bố mẹ cũng nên dành thời gian, tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động vui chơi, giao lưu xã hội. Kịp thời phát hiện và uốn nắn những hành động, lời nói chưa phù hợp của con em mình. Cơ chế hoạt động của con trẻ là bắt chước, cho nên trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ cũng cần nêu gương cho con những hành động đẹp, chuẩn mực đơn giản hàng ngày như: ăn ở sạch sẽ, đánh răng trước khi đi ngủ, ăn nói lễ phép, tôn trọng người lớn, giữ lời hứa, không nói dối,…
Chúng ta không thể mãi mãi giữ các con ở bên mình, và cũng không có bậc bố mẹ nào lại muốn con em mình trở nên lạc loài, tụt hậu so với xã hội. Vì thế, cách tốt nhất là tạo điều kiện cho con được tham gia vào các hoạt động giao lưu xã hội. Bố mẹ có thể tham gia có kiểm soát từ đó hình thành ở các con thói quen tự đánh giá, nhận thức và điều chỉnh trước những tác động hay – dở của xã hội.
Tiến Dũng
Leave a Comment