Vật liệu:
– 1kg bột mì loại 11% nước (all purpose) mà các bà nội trợ VN hay gọi là bột tàn mì hay bột mì số 11.
– 1g men (loại men làm bánh mì).
– 20g bột nổi (loại dùng làm bánh ngọt).
– 1 muỗng cà phê muối.
– Chuẩn bị riêng một ít bột mì khác để làm bột láng khay, mâm khi nhồi.
– 2 lít mỡ nước.
– Chảo lớn đường kính ít nhất 35cm. Cây cán bột, dao cắt, đũa hoặc kẹp dài.
Thực hiện:
– Trộn đều bột + men + bột nổi + muối… rồi châm nước vào từ từ, nhồi kỹ. Tùy chất lượng bột, lượng nước sử dụng có thể hơn 1 lít, cho nước vừa đủ cho đến khi hỗn hợp dẻo mịn. Nắn thành bánh tròn, dùng bao nylon bọc kín, để ở nhiệt độ bình thường trong khoảng 4 giờ.
– Chuẩn bị chảo mỡ, lượng dầu mỡ cần đến ngập bánh khi cho vào. Để lửa ở độ cho dầu sôi nhưng không bốc khói.
– Rắc ít bột láng ra khay, vừa đủ láng. Lấy khối bột đã ủ ra, nhồi lại cho kỹ, rồi cán mỏng ra thành miếng chừng 12x30cm, có bề dày chừng non 1cm. Dùng dao xắn từng thỏi dài 12x1cm, đặt chồng hai thỏi lên nhau rồi dùng dao ấn nhẹ theo chiều dọc cho thỏi trên lún xuống và dính vào thỏi dưới, dùng hai tay nhấc hai đầu thỏi bột, kéo dài ra thành khoảng chừng 15-17cm, rồi thả vào chảo mỡ sôi.
– Bánh chín sẽ nổi lên và nở xốp, dùng đũa dài trở đều bánh cho đến khi thấy bánh nổi hoàn toàn trên mặt dầu. Vớt bánh ra, để cho ráo dầu trên giấy thấm hoặc vỉ thưa.
– Bánh chín đạt yêu cầu là ngoài vàng giòn, bên trong mềm sắc trắng, hơi nhẩn dai và có kích thước gấp nhiều lần khi chưa chiên, hai thỏi bánh dính hẳn vào nhau nhưng cũng rất dễ rứt ra. Ở khâu này, khi kéo bột ra mà thấy bột không dãn mà lại đứt là bột nhồi bị khô, thiếu nước. (CT)
Leave a Comment