Làm gì khi trẻ hay đòi hỏi?

“Mẹ! con muốn mua con búp bê này, bộ đồ bác sĩ kia nữa!”, “Mua cho con con gấu bông này mẹ nhé!”, “Mua cho con một chiếc xe ô tô này nữa thôi mà!”,… Cậu con không ngừng níu kéo mẹ trong khi các bà mẹ ra sức giải thích “Mẹ không có tiền”, “Mẹ hết tiền rồi”, “Mẹ đã mua cho con rất nhiều thứ rồi còn gì!”,…Kết quả là một cuộc chiến sẽ xãy ra giữa hai mẹ con trước cái nhìn của rất nhiều người. Đây không là tình huống của riêng ai mà hầu hết các bà mẹ đều ít nhiều gặp phải khi cùng con đi siêu thị, trung tâm mua sắm.

Trong trường hợp đó, mẹ luôn là người thua cuộc theo kiểu hoặc là thỏa mãn nhu cầu của con một cách đau khổ, hoặc sẽ dùng một biện pháp trừng phạt nào đó nhằm trấn áp trẻ và sự đòi hỏi không cùng của chúng. Với biện pháp trừng phạt, chắc chắn sẽ có không ít những cái nhìn soi mói khiến mẹ vô cùng xấu hổ. Thế nhưng, cho dù áp dụng cả hai phương pháp trên thì thói quen thích vòi vĩnh của trẻ vẫn không được cải thiện. Bạn lại phải thỏa thuận hoặc sẽ phải trừng phạt trẻ thêm nhiều lần nữa. Bởi thực tế, trẻ chưa từng được dạy tiền là gì, nó có ý nghĩa như thế nào, hoặc giá trị đồng tiền ra sao?

Với một đứa trẻ ba tuổi có thể còn rất nhỏ để bố mẹ nói với chúng về tiền. Nhưng cũng có thể không còn sớm nữa khi người lớn cho chúng biết tiền là gì. Bắt đầu từ cách đơn giản nhất: Xếp cho chúng một số những tờ tiền giả với những mệnh giá khác nhau và giải thích cho chúng hiểu rằng, trong phạm vi gia đình, đó là những đồng tiền thật. Hãy ước lượng rằng đó là toàn bộ tiền tiêu vặt của con trong một tháng. Mẹ sẽ giữ giúp con những đồng tiền thật để tránh tình trạng bị ai đó lấy mất. Khi con muốn tiêu tiền vào một việc gì đó như mua đồ chơi, đi công viên, ăn quà vặt,… con có thể mang chúng đổi với mẹ để lấy những đồng tiền thật. Con được toàn quyền sử dụng số tiền đó đến hết và mẹ sẽ không cho thêm nếu chưa sang tháng mới. Đồng thời, nếu con muốn có thêm tiền tiêu vặt, con có thể tham gia vào một số công việc kiếm tiền của gia đình và mẹ sẽ gợi ý cho con điều đó. Bằng cách đó, mẹ vừa dạy cho con hiểu biết về tiền, giá trị của đồng tiền và biết cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả. Ý nghĩa của lao động cũng dần được trẻ khám phá ra qua cách này. Tất nhiên, khi trẻ đủ lớn hoặc mẹ đã có sự tự tin nhất định nơi trẻ, những đồng tiền giấy cần và nên chuyển thành những đồng tiền thật để trẻ tự quản lý chúng.

Một bà mẹ đã áp dụng cách này với con mình cho biết. Thật bất ngờ, trước đây, đứa con bốn tuổi của bà luôn tìm cách vòi vĩnh mẹ mỗi khi có dịp đi ra ngoài. Cho dù bà đã cố giải thích với con rằng bà không có thật nhiều tiền để có thể mua cho con tất cả mọi thứ. Đôi khi, bà đã cố chỉ cho con thấy bà còn rất ít tiền trong túi và cần chi chúng cho việc mua thức ăn, hay chi trả tiền học, điện, nước,…Cho đến một hôm, bà quyết định sử dụng cách cho con tự quản lý tiền tiêu vặt của chúng. Thật bất ngờ, chỉ với những đồng tiền giả được in trên giấy A4 nhưng đứa con tỏ ra rất coi trọng chúng. Cô bé mang cất những đồng tiền cẩn thận vào ngăn tủ và bất cứ khi nào cần mua sắm thứ gì cô đều hỏi mẹ về khoản tiền cần phải chi ra. Đứng trước những món đồ chơi thú vị, cô bé thường đắn đo suy nghĩ rất kỹ và tính xem mình còn bao nhiêu tiền sau khi đã chi ra một khoản để mua món đồ chơi đó. Không chỉ vậy, cô bé còn tỏ ra khá chăm chỉ với những công việc nhà được mẹ giao phó. Thi thoảng cô “tỉ tê” với mẹ “Con sẽ giúp mẹ cho gà ăn để gà nhanh lớn. Nếu mẹ bán gà mẹ sẽ có thêm tiền và mẹ sẽ cho con đúng không?”

Đừng ngần ngại, hãy cho trẻ biết tất cả những gì mà chúng sẽ biết và phải biết. Tiền là một trong số những thứ trẻ không thể không biết. Thay vì để chúng tự mày mò tìm hiểu, hãy chỉ dẫn con ngay từ đầu để chúng tránh được những lỗi lầm về sau.

Lộc Xuân

Leave a Comment