Làm gì khi trẻ “thua cuộc”?

Trong cuộc sống, việc thắng, bại đã trở thành lẽ đương nhiên nhưng không phải bao giờ cũng được chúng ta chấp nhận một cách dễ dàng. Đối với trẻ, việc phải chấp nhận làm người thua cuộc càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, những áp lực hay cư xử không đúng cách của người lớn sẽ làm tăng thêm gánh nặng “thua cuộc” trong lòng chúng.

Làm bố mẹ, không ít lần chúng ta buộc phải đối diện với việc con cái không đạt được kết quả như mình mong muốn. Một số ít sẽ chọn cách bỏ ngoài tai, ngoài mắt những kết quả không tốt của con trẻ. Nhưng phần đông lại chọn biện pháp la mắng, trách phạt hay mang con ra so sánh với bạn bè của chúng mỗi khi có dịp, nhằm mong con hoàn thiện hơn nữa. Những cách này thật ra chỉ có tác dụng thỏa mãn sự bức xúc của chính người lớn mà quên mất cảm xúc của con cái họ.

Câu chuyện xãy ra trong một gia đình khi cô bé lớp năm vô cùng buồn và lo sợ trước kết quả kiểm tra giữa kỳ môn toán của mình. Tất nhiên, kết quả ấy về đến tay gia đình và cô đứng nép mình bên ghế như một tội nhân đứng trước phiên tòa gồm cả ba và mẹ. Theo bản năng đã có, bà mẹ lớn giọng:

– Con thật đáng bị ăn đòn, đề toán dễ vậy mà chỉ có chín điểm. Thật phí tiền mẹ cho con đi học thêm giáo viên giỏi.

Cô bé òa khóc nức nở, mặt cuối gằm xuống đất chờ đợi.

Ngay lập tức, ông bố nhẹ nhàng xua tay với vợ và nhìn con gái âu yếm:

– Con yêu! Ba biết, con đang rất buồn vì không thể đạt được điểm mười. Nhưng ba tin có nguyên nhân gì đó ở đây vì con gái ba rất khá về môn toán mà!

Cố bé ngước mắt nhìn bố dò xét, cuối cùng cô lên tiếng:

– Con không thể giải được bài toán khó, có lẽ con đã thiếu tập trung ở một buổi học nào đó. Nhưng con hứa, con sẽ không như thế nữa. Con hứa đấy ạ! Con xin lỗi ba!

Đúng thế, hôm sau ông bố đã gọi điện cho cô giáo và cô cho biết cả lớp không ai có thể giải được bài toán khó. Bài toán được đưa ra nhằm thử sức học sinh và chọn ra những em xuất sắc nhất cho kì thi học sinh giỏi sắp đến.

Qua tình huống ấy, có thể thấy, la mắng hay trách phạt luôn được xem như biểu hiện của sự thất bại trong giáo dục con cái. Thực tế, bản thân mỗi trẻ luôn cảm thấy đau đớn, tự ti khi phải mang tư tưởng mình là người kém cỏi. Những trách mắng, hay so sánh của bố mẹ chỉ có tác dụng khắc sâu hơn trong lòng trẻ vết thương của kẻ thua cuộc mà thôi. Vết thương ấy sẽ lớn dần theo năm tháng và tai hại biết bao khi nó thật sự mưng mũ hay trở thành chứng bệnh nan y.

Đứng trước tình huống ấy, bố mẹ cần bình tỉnh và thật sự trở thành người trẻ tin tưởng để giải tỏa những khó khăn trong lòng:

1. Động viên, an ủi các bé: Bằng cách chia xẻ cảm xúc với trẻ, đồng cảm với nỗi buồn khi trẻ không đạt được điều mà mình muốn.

2. Giúp trẻ nhận ra rằng: Sự nỗ lực, cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu mới là điều quan trọng còn thắng hay thua đã trở thành chuyện rất bình thường. Các bé có thể không giành chiến thắng trong lần này nhưng vẫn có thể tiếp tục cố gắng cho những lần tiếp theo.

3. Tin tưởng vào khả năng của trẻ: Dù con của bạn có cá tính như thế nào, khả năng ra sao thì vẫn hãy cho chúng biết bạn tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của chúng. Bằng niềm tin đó, bạn đã cho trẻ nguồn động lực lớn lao để vượt qua nỗi buồn hiện tại và nỗ lực hơn ở tương lai.

4. Xây dựng cho trẻ tinh thần cao thượng: trong mỗi cuộc chơi dù ở bất kì lĩnh vực nào, cạnh tranh một cách trung thực là điều trẻ cần được định hướng. Cho trẻ thấy được chính trẻ đã nổ lực hết mình, do đó, kết quả dù thắng hay bại đều đáng được trân trọng. Đồng thời đừng quên dạy trẻ biết chia sẻ niềm vui với người chiến thắng, lấy đó làm bài học và nhất thiết phải biết bỏ qua lòng đố kỵ.

Chỉ khi nào trẻ thật sự cảm thấy tâm hồn thanh thản, tự tin vào chính mình đó sẽ là lúc trẻ gặt hái được thành công. Không phải ai cũng toàn năng trên mọi lĩnh vực, điều quan trọng là phụ huynh cần thấy được điểm mạnh của con mình và đầu tư giúp trẻ phát triển thế mạnh ấy. Đến lúc nào đó chắc chắn con bạn sẽ trở thành người chiến thắng.

Tú Oanh

Leave a Comment