Lì xì cho bé và những “chiêu thức khó đỡ” cho mẹ

Ngày Tết Việt Nam luôn đi kèm với phong tục thăm viếng nhau và những phong bì lì xì màu đỏ tươi cho trẻ. Thế nhưng, từ phong tục này đã có không ít những tình huống “cười ra nước mắt” cho cả khách và mẹ.

Cảm ơn chú! Tình huống khó xử này xảy ra với một bà mẹ trẻ và cậu nhóc bốn tuổi của mình trong dịp về quê nội ăn Tết. Khi mọi người đang vui vẻ nói cười ở nhà dưới thì có khách riêng của Bác cháu đến thăm chơi. Cu cậu bỏ cuộc vui đang hấp dẫn, lon ton chạy ra cửa đón khách. Sau màn chào hỏi rất bình thường, cậu nhóc đứng nép bên bàn chờ cho khách “an vị”. Bất ngờ, cậu bé bước ra, đứng nghiêm trang trước mặt khách rồi vòng tay nói lớn “Cháu cảm ơn chú!” trước con mắt ngỡ ngàng của cả nhà. Cứ thế, cậu lần lượt vòng tay ngoan ngoãn cảm ơn bốn vị khách mà cậu chưa từng gặp trước đó.

Tất nhiên, trước cử chỉ khá ngoan và lịch thiệp của cậu nhóc khiến bốn vị khách không thể không sử dụng “phong bao”. Tuy nhiên, tình huống này khiến mẹ bị một phen cười “mếu máo” bởi không biết liệu có ai trong số khách ấy nghĩ rằng chính mẹ đã “đào tạo” ra chiêu thức này chăng.

Ba mẹ chờ con một chút! Lại một tình huống khác liên quan đến phong bao lì xì. Cô bé ba tuổi rưỡi theo bố mẹ đi thăm viếng bạn bè. Vì anh bạn còn chưa lập gia đình nên không chuẩn bị trước tâm lý lì xì cho trẻ con. Sau khi cả nhà đứng dậy chào ra về, chủ nhà chợt nhớ ra “À! chờ chú lì xì năm mới cho cháu đã!” Tuy nhiên, lúc đó, trong túi “gia chủ” không có sẵn “quà” và sau một lúc “kiểm tra” đành xin “hoãn binh” một lúc để đi tìm “viện trợ”.

Để cứu vãn tình thế tế nhị, mẹ đỡ lời “Thôi! Được rồi, cháu đã biết lì xì đâu! để năm sau cháu lớn hơn đã!” rồi thúc con chào khách ra về. Cô bé lém lĩnh vẫn cứ nấn ná và cuối cùng lên tiếng “Ba mẹ chờ con một chút! Chú ấy đang đổi tiền mà!”

Cho con đổi! Cậu bé Hai tuổi được theo bố mẹ về ngoại vào ngày đầu năm. Mặc dù được cho là khá ngoan, song cậu nhóc vẫn gây nên “rối rắm” cho bố mẹ. Người láng giềng lớn tuổi sang chúc Tết ông bà và không quên “lì xì” cho cháu. Vì không có phong bao đỏ tươi nên khách đã dùng cách “trực diện” như vẫn thường làm. Cậu bé nhìn món quà và kiên quyết từ chối dù đã được sự cho phép lẫn khích lệ của người lớn. Cuối cùng, cậu bé lắc đầu nói từng từ rành rọt “tiền ấy cũ quá, con muốn tiền mới kia!”

Thì ra cậu bé cho rằng món quà không đẹp nên không thích nhận. Mặc dù tất cả mọi người đều cười và khách vẫn vui vẻ “đổi” món quà mới hơn cho cậu nhóc nhưng ngay chiều hôm đó, mẹ đã bị ông bà “kiểm điểm” về tội dạy con chưa ngoan. Cũng thật may vì trong tình huống này, khách có quà để đổi, nếu không, quả là khó xử cho cả đôi bên.

Mẹ ơi! Chú ấy lì xì cho con ít hơn! Đây lại là vẫn đề không phải hiếm gặp với các ông bố bà mẹ có con nhỏ. Chị P.A chia sẽ, Tết năm ngoái, gia đình chị về nội ăn Tết. Vì Bác của cháu vẫn sống cùng ông bà nên đây cũng là nơi để Bác ấy tiếp khách riêng của mình. Hôm ấy, nhà có khách và vị khách thuộc cấp dưới của Bác. Mọi chuyện êm xuôi cho đến màn lì xì đầu năm. Ngay sau khi nhận phong bao đỏ tươi từ khách, ba cậu nhóc kéo nhau vào phòng “khui tem”. Một phút sau, chị A. thấy cậu con bốn tuổi của mình vừa khóc vừa mếu “Mẹ ơi! Bác ấy lì xì cho con có một tờ nhỏ chút, anh Bin, chị My được những hai tờ luôn!”

Tình huống tế nhị này quả là không hiếm gặp nhưng đã gây ra không ít “khó chịu” cho cả khách lẫn chủ.

Có thể thấy, việc lì xì xuất phát từ tập tục khá đẹp của người Việt nói riêng và Á Đông nói chung. Nhưng theo thời gian cũng như sự phát triển của xã hội, việc lì xì cho con trẻ đôi khi bị bóp méo làm mất đi ý nghĩa trong sáng của nó. Những trường hợp trên có thể thấy, từ sự trong sáng rất vô tư của trẻ nhỏ đã chỉ ra rất nhiều điều đáng nói của xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ một bà mẹ, bạn hãy nên chú ý và có những hướng dẫn hoặc chuẩn bị để không phải lâm vào những tình cảnh “khó đỡ” từ các cô cậu nhóc thiên thần của mình.

Băng Thanh

Leave a Comment