Nên hay không cho con sớm tiếp xúc với tiền?

“Nên hay không cho con sớm tiếp xúc với tiền?” hay “trẻ bao nhiêu tuổi thì nên được tiếp xúc với tiền?” luôn là những câu hỏi khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng.

Trẻ nên tiếp xúc với tiền từ khi nào? Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng nên cho trẻ tiếp xúc với tiền càng sớm càng tốt, nó nên bắt đầu ngay khi trẻ có những ý thức nhất định về món đồ đặc biệt này. Điều này giúp trẻ sớm hình thành thói quen biết sử dụng đồng tiền hợp lý, có kế hoạch tài chính chi tiêu rõ ràng, sớm hiểu được giá trị lẫn ý nghĩa của đồng tiền, không bị lệ thuộc vào sức mạnh của đồng tiền.

Tuy nhiên, sẽ không có một mốc thời gian cụ thể chính xác nào khẳng định rằng trẻ có thể được tiếp xúc với tiền kiểu như sáu tuổi vào lớp một. Mốc thời chính xác nhất được quyết định bởi chính bố mẹ, người thường xuyên tiếp xúc và thấu hiểu trẻ nhất. Chúng ta cần dựa trên sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần để đưa ra quyết định đúng đắn. Và khi trẻ được tiếp xúc với tiền là lúc chúng biết “bánh được mua bằng tiền, tiền không chỉ đơn thuần là mãnh giấy nhiều màu sắc được lấy ra từ ví của bố hoặc máy ATM”

Làm thế nào để trẻ tiếp xúc với tiền một cách vô hại? Trên thực tế, lại có không ít bà mẹ cho rằng chính việc tiếp xúc sớm với tiền lại khiến con cái của họ trở nên hư hỏng, khó quản lý hơn như: trẻ thường xuyên lén lấy trộm tiền từ ví mẹ, mua bất cứ thứ gì chúng muốn khi có tiền, lệ thuộc vào sức mạnh đồng tiền kiểu không cho tiền không đi học, không giúp mẹ việc nhà hoặc không chịu ăn cơm,… Thực chất, những rắc rối này, phần lớn lại không nằm ở việc trẻ tiếp xúc với tiền sớm hay muộn mà nó nằm ở chính việc phụ huynh đã cho con trẻ tiếp xúc với tiền như thế nào? Việc quản lý lẫn những hướng dẫn về cách sử dụng tiền từ bố mẹ đã thật sự hợp lý?

Do đó, những bài học cần thiết về tiền cần được bố mẹ dạy trẻ từ sớm và cùng lúc với việc trẻ được tiếp xúc với món đồ nhạy cảm này:

– Trước tiên nên dạy bé hiểu về giá trị đồng tiền và tiền là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc của mỗi người.

– Tiền không là nguồn ngân sách vô hạn được lấy ra từ chiếc máy ATM.

– Cần tạo cho trẻ cơ hội để tự trải nghiệm việc làm ra tiền bằng các kế hoạch nhỏ, cụ thể: giúp mẹ nuôi gà và thu nhập mang lại từ việc bán trứng, làm ra những sản phẩm thủ công có thể trao đổi được, thậm chí với những trẻ lớn hơn kiếm tiền từ công việc giao báo, sữa mỗi sáng cũng hoàn toàn nên được khuyến khích

– Giúp trẻ tự quản lý đồng tiền mà chúng có thể có được như: tiết kiệm bằng heo đất, lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng, dự tính trước những khoản sẽ chi tiêu trong thời gian ngắn sắp tới,…

– Cuối cùng, bạn cũng nên hướng bé sử dụng đồng tiền tiết kiệm đến những hoạt động cộng đồng mang tính chia sẻ hướng về người nghèo, người khuyết tật….

Phạm Quyên

Leave a Comment