Phát triển trí tưởng tượng cho trẻ bằng cách nào?

Rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn khi đứng trước thử thách làm sao để phát triển trí tưởng tượng cho con trẻ đúng cách. Bởi mỗi bậc cha mẹ luôn nhận thức được rằng trẻ con sớm sở hữu trí tưởng tượng khá phong phú. Thế nhưng giữa một trí tưởng tượng tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển chỉ số IQ của trẻ và những mơ mộng viễn vông, thiếu thực tế lôi cuốn trẻ đi vào vũng lầy của sự thoái mòn trí tuệ lại rất gần nhau. Chỉ cần một sai lầm hay thiếu quan sát, uốn nắn của bố mẹ, vô tình chúng ta đã hủy hoại đi khả năng tưởng tượng thiên phú quý báu của con cái mình.

Vậy làm sao để phát triển trí tưởng tượng của trẻ đúng cách?
1. Cần phải thấy rằng nền móng thật sự của trí tưởng tượng nằm ở chính hiện thực cuộc sống. Bồi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ, khiến trẻ cảm nhận chính xác những vật liệu mà sự vật xung quanh cần là vô cùng quan trọng. Một bà mẹ đã vô tình phát hiện ra cô con gái lên ba của mình vô cùng thích nấu ăn. Cô bé thường xuyên ngồi một mình cùng mớ giấy vụn, rồi xé nhỏ chúng và lẩm bẩm: “Cá nè, rau nè, thêm ít muối, dầu, ớt,…” Cô bé đang học nấu ăn và cô tưởng tượng ra những thứ vốn có trong bếp từ nhiều mãnh giấy vụn. Bà mẹ nãy sinh hai luồng suy nghĩ trái ngược là nên hay không nên cung cấp cho cô bé những nguyên liệu thật sự để cô bé thỏa chí nấu ăn? Và cuối cùng bà quyết định cứ để cô bé thỏa mãn sở thích của mình trong tưởng tượng.

Vậy vấn đề nên hay không nên. Nếu để cô bé thỏa mãn đam mê làm bếp của mình bằng các hướng dẫn của mẹ cùng những vật liệu thật như rau, nước, các loại gia vị,… liệu có làm dập tắt những tưởng tượng đang rất sống động trong trẻ?

Câu trả lời rõ ràng là không. Bởi khi trẻ đã được thỏa mãn bằng thực tế, trí lực của trẻ sẽ phát triển lên một bậc mới và dần hoàn thiện. Từ đó tạo điều kiện cho những tưởng tượng ở bậc cao hơn được phát triển. Chẳng hạn với cô bé thích nấu ăn, cô sẽ mơ mình trở thành đâu bếp chuyên nghiêp, tài ba bằng những món ăn tuyệt hảo. Giáo dục trẻ là giúp trẻ khắc phục và nâng cao những tưởng tượng còn sơ khai của mình chứ không phải để trẻ kéo dài hoặc ở mãi trong trạng thái mơ hồ sơ khai ấy.

2. Rèn luyện trí lực: Sau khi đã cung cấp cho trẻ những vật liệu hay môi trường cần thiết để chúng thả sức tưởng tượng, phụ huynh nhất thiết phải tạo điều kiện cho trẻ tiến hành suy luận trong phạm vi có giới hạn, tiến hành rèn luyện trí lực, phân biệt các sự vật khác nhau. Đây chính là bước đặt nền móng vững chắc để xây dựng trí tưởng tượng của trẻ.

Nó có nghĩa rằng, nếu trẻ đang tưởng tượng mình là đầu bếp, đừng ngại, hãy để trẻ được làm bếp nhưng không phải chỉ cho chúng gian bếp với đầy đủ nguyên liệu mà hãy chắc rằng ở đó, trẻ sẽ được chỉ dẫn để chúng có cơ hội rèn luyện khả năng của mình. Đồng thời, đừng cố ép trẻ phải làm thế này hoặc thế kia mà chỉ cần cho chúng biết công dụng, cách sử dụng của từng thứ. Mọi việc còn lại nằm ở suy luận của trẻ.

3. Tránh mơ mộng hồ đồ: Khi cô bé tưởng tượng mình là đầu bếp cùng mớ cá bằng giấy vụn. Cô bắt đầu nấu món cá bằng cách tẫm ướp với rất nhiều sữa chua, sau đó cho thêm thật nhiều đường để món cá ngọt như socola vậy. Cô hí hửng mang món cá lên mời mẹ và bà mẹ hết lời khen ngợi con “thật xứng danh là đầu bếp số một”, “ngon quá!”, “con sẽ là đầu bếp trong tương lai!”,… dù rằng bà không hề hay biết cô bé đang làm món “socola cá”.

Vai trò của người lớn là càng sớm chấm dứt tình trạng mơ mộng này của trẻ càng tốt. Đừng để trẻ coi ảo tưởng là hiện thực và chấp nhận hiện thực bằng ảo tưởng đó. Một người say đắm trong ảo tưởng là người chấp nhận ảo tưởng là hiện thực và bác bỏ hiện thực đang diễn ra trước mắt.

Chúng ta cho rằng cái gì đã tưởng tượng thì không có trong hiện thực, và hiện thực không có tưởng tượng. Điều đó chỉ đúng với những ảo tưởng mà thôi. Tưởng tượng luôn là thứ được xây dựng trên nền móng của hiện thực và chân lý. Những tưởng tượng không bị chi phối bởi hiện thực sẽ giống như làm việc không có mục tiêu vậy. Và vì thế chúng ta không thể thoát ra khỏi nó cho đến khi cơ thể suy kiệt, trí tuệ kiệt quệ.

4. Tuyệt đối không được gây cản trở hoạt động tự phát của trẻ: Chúng ta vẫn thường tự cho rằng mình có thể sáng tạo nên trí năng bằng những can thiệp hay xây dựng nên trí tưởng tượng trong trẻ. Thực tế hoàn toàn không phải vậy. Chúng ta không thể bắt trẻ lôi một mớ giấy vụn ra và bảo chúng đây là cá, kia là rau, kia là gia vị và bắt đầu nấu. Tất yếu, trẻ sẽ làm theo nhưng chúng không hề cảm thấy hạnh phúc và chúng chẳng hiểu mình đang làm gì. Không tồn tại bất cứ một sự tưởng tượng nào trong trẻ vào lúc này. Nó chỉ bao gồm những tưởng tượng mà chúng ta cố ghép vào cho trẻ.

Nhiệm vụ của người lớn lúc này chỉ có thể là chờ đợi và dứt khoát không được tự lừa dối mình rằng chính người lớn có thể sáng tạo nên trí năng. Ngoài ra, người lớn càng không được cản trở hay khống chế quá mức những hoạt động tưởng tượng của trẻ mà phải tạo ra môi trường tốt đảm bảo trẻ có được bước phát triển đúng đắn, giúp trẻ có được trí tuệ thông minh.

5. Để trẻ sống trong môi trường là chủ nhân của mọi vật hoặc làm phong phú đầu óc trẻ bằng những tri thức và kinh nghiệm có được từ thực tế, để trẻ tự do trưởng thành trên nền móng những kinh nghiệm và môi trường đó. Chỉ khi được tự do phát triển, trẻ mới có điều kiện thể hiện trí tưởng tượng phong phú của mình.

Thử đặt mình vào vị trí của trẻ khi ta đang háo hức muốn nấu một món ăn ngon như mẹ vậy. Ta chạy vào bếp và với tay lấy dụng cụ. Ngay lập tức, một bàn tay khổng lồ ngăn ta lại và bảo “hãy đi ra ngoài kia và nấu ăn cùng với giấy vụn bằng bộ nồi đồ chơi kia kìa!” Vậy là bao nhiêu tưởng tượng về món ăn ngon tan biến hết trong ta, chỉ còn lại thực tế vô vị và chẳng có gì cả.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, để trẻ phát triển trí tưởng tượng trước hết cần giúp trẻ có được sự sáng tạo trong nội tâm. Để sáng tạo, trẻ tự khắc phải thu thập “nguyên liệu xây dựng” từ bên ngoài. Do đó cần tạo cho trẻ môi trường mà ở đó trẻ là chủ nhân của chính mình.

Trước khi trẻ có thể phát hiện ra mối quan hệ logic giữa các sự vật, chúng ta buộc phải tăng cường rèn luyện tư duy của trẻ bằng cách cung cấp đến trẻ những thứ mà cuộc sống tâm lý của chúng cần để trẻ có thể tự do sáng tạo.

Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tình yêu thương của mình trước những đứa trẻ. Và tuyệt đối không ép chúng phải tưởng tượng hay sáng tạo khi chúng chưa sẵn sàng hoặc chưa thu thập đủ nguyên liệu xây dựng cho nội tâm và bộ não của chính mình.

Băng Thanh

Leave a Comment