Phòng tránh tai nạn cho trẻ

Với trẻ, mọi thứ quanh mình từ chiếc điều khiển tivi đến hàng hoa, con kiến ngoài vườn đều hết sức lạ lẫm và cần được khám phá. Tuy nhiên, sự tò mò của trẻ lại không đi kèm cùng những hiểu biết về độ an toàn. Vì thế, trẻ thường gặp phải những tai nạn như bỏng, đứt tay, thậm chí bị điện giật, uống phải dầu gió, thuốc chữa bệnh của người lớn… Những trẻ càng hiếu động, nguy cơ gặp phải các tai nạn gây thương tích càng nhiều. Tuy vậy, việc phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn cho trẻ là điều người lớn trong mỗi gia đình hoàn toàn có thể làm được.

Bắt đầu bằng tinh thần hết sức cẩn thận: Từ khi biết bò, rồi chập chững biết đi, trẻ vô cùng thích thú khi được tự khám phá mọi thứ xung quanh. Bé có thể thò ngón tay vào ổ điện, quạt máy đang chạy hoặc lôi kéo đổ bể bất cứ thứ gì trong tầm tay của mình. Chính vì thế mà lứa tuổi này rất hay gặp phải các tai nạn đáng tiếc. Do vậy, trong gia đình, ông bà, cha mẹ cần hết sức cẩn thận, đảm bảo tất cả các vật dụng có thể gây nguy hiểm phải nằm ngoài tầm với của trẻ, như: bịt kín các ổ cắm điện thấp; dao kéo, thuốc chữa bệnh, dầu gió,… luôn luôn phải cất trên cao; đặc biệt, phích nước sôi, thức ăn còn nóng tuyệt đối phải được đặt nơi an toàn tránh nguy cơ gây bỏng khi trẻ tò mò khám phá. Không nên chứa nước ở xô, chậu trong khu vực trẻ có thể đến gần để phòng tránh rủi ro dẫn đến đuối nước hoặc cóng.

Sớm dạy trẻ hiểu về những cảnh báo: Ngay khi trẻ còn nhỏ, người lớn phải luôn có ý thức chỉ dạy, nhắc nhở trẻ một cách thường xuyên về những đồ vật và việc làm dễ gây tai nạn. Có thể bằng cách chỉ vào những vật dụng cụ thể như quạt điện, phích nước, bếp ga, dao kéo, máy giặt, máy hút bụi… và nhắc trẻ phải luôn cẩn thận, cũng như những hậu quả nguy hiểm có thế sẽ gặp phải. Thỉnh thoảng, người lớn hãy đặt câu hỏi với trẻ về nội dung trên như cách giúp trẻ ghi nhớ.

Khi trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ có thể chỉ dạy dần dần cho con một số thao tác đơn giản và cách sử dụng những đồ dùng, máy móc thiết bị trong gia đình. Tất nhiên, cần chắc chắn rằng, trẻ chỉ được phép thử hoặc luyện tập trong tầm giám sát của người lớn. Việc dạy cho trẻ phòng tránh tai nạn phải được diễn ra thường xuyên liên tục và rất cần sự kiên quyết, nghiêm khắc của người lớn.

Để trẻ trải nghiệm những hậu quả: Hầu như tất cả trẻ nhỏ đều không định nghĩa hoặc hiểu được những nguy hiểm mà bố mẹ luôn cảnh báo với chúng nếu chưa từng được trải nghiệm. Do đó, bố mẹ đừng ngại khi tạo “cơ hội” để trẻ trải nghiệm những hậu quả có thể xãy ra trong “an toàn”. Như: đừng nói với trẻ “nước nóng” một cách thụ động mà hãy cho trẻ trải nghiệm “nóng” là gì sau khi đã chắc chắn mức nhiệt độ không gây bỏng cho bé. Điều đó giúp bé có ý niệm về “nóng” và hiểu được hậu quả khi tò mò những thứ “bốc khói”.

Hay khi bé tò mò với tay lên bếp, như một cơ hội, mẹ có thể cố tình để bé chạm phải một vật nóng đủ khiến bé co tay và chắc chắn bé sẽ không bao giờ quên trải nghiệm đó để “khám phá” thêm một lần nữa. Bạn cũng có thể cho bé hiểu “giật điện” là như thế nào với nguồn điện yếu trên chiếc vợt muỗi sắp hết năng lượng,…

Với những bài học thực tế này, bé sẽ nhớ lâu và như một biện pháp hữu hiệu để bé tránh xa những nguy hiểm ngay khi nhận được cảnh báo từ bố mẹ.

Luôn phải để ý, kiểm soát trẻ: Trẻ rất thích tò mò khám phá mọi thứ và lại thường hay quên. Do đó, không có gì có thể đảm bảo được rằng trẻ sẽ không gặp nguy hiểm ngay chính trong ngôi nhà của mình dù đã được dặn dò, dọa nạt hay chỉ dạy trước đó. Vì vậy, người lớn luôn phải để ý, kiểm soát xem trẻ đang làm gì, ở đâu để vừa tiến hành giao tiếp, rèn luyện các kỹ năng cho trẻ, vừa kịp thời ngăn chặn, thậm chí “xử lí” những “hậu quả” mà trẻ vô tình gây ra.

Dạy con cần bằng tình yêu thương nhưng cũng phải đủ tỉnh táo và kiên quyết để bé có điều kiện phát triển và tránh được những rủi ro không may có thể xãy ra bất cứ lúc nào trong quá trình lớn lên không ngừng của mình.

Nguyên An 

Leave a Comment