Quá trình chào đời và sự khởi đầu của một sinh mệnh

Lâu nay, chúng ta vẫn thường quan niệm rằng mọi đứa trẻ khi được sinh ra đều không có ý thức. Chúng ngoài ăn, ngủ, khóc, và vệ sinh theo bản năng ra, hầu như không có thêm bất cứ một nhu cầu, đòi hỏi hay quá trình tâm lý, cảm xúc nào khác.

Với quan niệm đó, sau khi trẻ ra đời, chúng ta luôn cố gắng làm sao cho trẻ  mặc đủ ấm, ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tăng cần đều đặn và không ốm đau bệnh tật. Để làm được điều đó, trong mọi thời đại hoàn cảnh đều không phải đơn giản. Và vì vậy, ngay sau khi trẻ chào đời, ta mặc cho chúng rất nhiều áo quần, chuẩn bị cho chúng rất nhiều những loại sữa đắt tiền giàu dinh dưỡng, để chúng lớn lên trong môi trường vô khuẩn. Chúng ta làm tất cả mọi việc mà theo ta là cần thiết cho trẻ.

Nhưng tất cả những thứ đó hoàn toàn không hề đủ cho một đứa trẻ lớn lên. Thực tế, chúng ta vẫn thường chia ra những giai đoạn khác nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển của một đứa trẻ. Quá trình chào đời và tháng đầu tiên được tạm gọi quá giai đoạn chào đời. Đây là giai đoạn đầu tiên khi đứa trẻ đến với thế giới.

Trong quá trình chào đón trẻ đến với thế giới, chúng ta luôn nghĩ rằng, người mẹ rất đau đớn. Điều đó không có gì phải phủ nhận và quá trình sinh nở luôn là quá trình vô cùng khó khăn mà mọi bà mẹ đều phải vượt qua.

Tuy nhiên, không chỉ có người mẹ đang khóc la kia thật khổ sở mà chính trẻ cũng khổ sở không kém. Lâu nay, chúng vốn được ở trong bào thai thật ấm áp và yên bình. Đột nhiên, đến một ngày, chúng buộc phải tiến hành một cuộc hành trình vô cùng gian nan. Chúng phải cố quẫy đạp hết sức để vượt qua một chặng đường không mấy đơn giản. Chúng buộc phải từ bỏ “ngôi nhà” yên bình của mình để đến với một nơi hoàn toàn mới. Nới đó chói ngợp ánh sáng, chẳng ấm áp tý nào, rộng lớn mênh mông và không hề yên bình như ngôi nhà cũ.

Khi mà toàn thân trẻ đang phải chịu đựng cơn đau mỏi ê ẩm thì bắt gặp sự xuất hiện của hàng bao nhiêu người mà chúng chưa hề gặp. Họ “gói” chúng trong rất rất nhiều lớp vải vóc thô cứng. Chúng trở nên vô cùng hoản sợ và bức bí. Tấm thân non nớt tiếp tục bị hành hạ trong vô số thứ mà chẳng có thứ nào êm ái như ngôi nhà cũ.

Người ta còn muốn chúng phải sạch sẽ hơn và buộc chúng phải thử qua cái gọi là “tắm” vô cùng khó chịu.

Tệ hại hơn khi chúng chẳng thể tìm đâu ra giọng nói ngân nga êm dịu của mẹ, hơi thở và nhịp ru nhẹ nhàng phát ra từ trái tim mẹ. Chúng thét lên đầy sợ hải nhưng chẳng ai quanh đây hiểu được những gì chúng chuyển tải.

Vậy thật ra trẻ cần gì?

Trẻ sơ sinh cũng đau đớn và vô cùng hoản loạn khi đến với thế giới này. Chúng cũng có những cảm quan nhất định của mình. Do đó, chúng ta cần cho trẻ một môi trường đảm bảo rằng chúng sẽ cảm thấy an toàn.

Chúng không cần mặc quá nhiều áo thậm chí là không cần mặc áo. Việc tiếp xúc với mọi người cũng nên thật hạn chế để đảm bảo trẻ cảm thấy an tâm trước sự xuất hiện của một ai đó ngoài mẹ chúng. Ở giai đoạn này, trẻ cũng khó để thích ứng ngay với những âm thanh quá lớn.

Bên cạnh đó, trẻ ở giai đoạn này còn rất yếu, do đó việc bế chúng cần hết sức nhẹ nhàng. Tốt hơn hết, nên bế trẻ sau khi đã quấn chúng êm ái trong khăn bông. Đặc biệt, cần đảm bảo phòng bé an toàn trước vi khuẩn và việc nên đeo khẩu trang khi vào phòng của trẻ sơ sinh là cần thiết.

Bù lại hãy để bé được ở bên mẹ sớm nhất có thể ngay sau khi chào đời trong căn phòng đủ ấm. Bởi giữa mẹ và bé luôn có một sợi dây gắn kết đặc biệt. Chính mẹ mới là người đồng hành tuyệt vời nhất mà trẻ cần có để vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn này. Hơi thở, nhịp tim, giọng nói và cả những yêu thương vỗ về của mẹ thật sự cần thiết với mọi trẻ sơ sinh.

Hãy luôn đảm bảo rằng, quá trình chào đời của trẻ chỉ là quá trình thay đổi vị trí giữa trẻ với mẹ, từ ngôi ngà cũ trong bụng mẹ đến với thế giới bên ngoài, những yếu tố, mối quan hệ còn lại không hề thay đổi. Một sinh mệnh bắt đầu, và sinh mệnh đó cần một khởi đầu không quá khó khăn hay quá nhiều thay đổi đột ngột để lại những dấu ấn bất an khó phai trong chúng.

Lộc Xuân

Leave a Comment