Làm cha mẹ, đã không ít lần các ông bố, bà mẹ buộc phải phàn nàn “con thật không ngoan khi lúc nào cũng dành đồ chơi với em”, “con nhường cho bạn chơi tý đi, con hư quá, sao cứ dành đồ chơi với bạn như thế!”,… hay cả khi bé cố chứng tỏ vị trí số một của mình trước mắt mọi người, cũng bị cho là “đáng được ăn đòn”.
Thực chất, tính cạnh tranh nằm chính ở bản năng của mỗi con người. Với trẻ, điều đó được bộc lộ mạnh mẽ hơn, thường xuyên hơn và rõ ràng hơn mà thôi. Tất nhiên, cạnh tranh chưa bao giờ đáng xấu hổ hay “hư đốn” nếu đó thật sự cạnh tranh lành mạnh. Do đó, vai trò của bố mẹ không phải ở sự trách mắng, hạn chế sự cạnh tranh ở trẻ mà nằm ở việc làm sao hướng trẻ đi theo con đường đúng đắn.
Tình huống vẫn thường xảy ra trong mỗi gia đình khi hai anh em đang cố tranh nhau cuốn tập mới khá bắt mắt. Cô em liệu sức mình không thể thắng được nên tìm đến người viện trợ bằng cách òa khóc thật to. Đứng trước tình huống đó, cách giải quyết thường thấy ở các bà mẹ là “Làm anh gì lạ thế! Con phải biết nhường nhịn em chứ!”
Kết quả cô em đắc thắng với tập vở trong tay còn cậu anh tiu nghỉu “mẹ thật bất công, mẹ chỉ thương em” hay “mình chẳng đáng một xu trong mắt mẹ”. Tất nhiên, cả hai anh em đều rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân và ở những lần sau, cô em chỉ cần khóc để dành chiến thắng, trong khi cậu anh “mình có dành cũng vô ích, có bao giờ thắng được đâu mà dành cho mệt”.
Vậy, các ông bố bà mẹ sẽ phải làm gì?
1. Cạnh tranh dạy bé cách nỗ lực để đạt được kết quả: thay vì la mắng hay thỏa hiệp, phụ huynh hãy tạo cơ hội cho các bé cạnh tranh công bằng với nhau, như: để các bé cùng chơi trò đố chữ hay thi xem ai xếp chăn màn nhanh hơn,… và người thắng cuộc là người xứng đáng có được thứ mình muốn. Chính điều này đã giúp các bé hiểu rằng muốn đạt được thứ gì đó cần phải nỗ lực thực hiện mà không là khóc lóc, mè nheo, hay trông cậy vào sự phán xử của người khác.
2. Cạnh tranh giúp trẻ tập trung, quản lí được thời gian và có kế hoạch cụ thể: Trong những cuộc cạnh tranh nho nhỏ này cũng giúp bé nhận thấy: muốn dành chiến thắng, bản thân bé buộc phải tập trung hơn đối với công việc đang làm, không lơ là, bỏ dở mọi việc khi có mối bận tâm khác xen vào. Trong quá trình cạnh tranh, các bé còn học hỏi được cách xác định “kế hoạch thực hiện” để đạt hiệu quả cao nhất.
3. Sự thành công trong mỗi lần cạnh tranh giúp gia tăng sự tự tin, khẳng định bản thân: mỗi một cuộc so tài dù nhỏ hay lớn đều góp phần thúc đẩy khả năng của bé. Người chiến thắng sẽ cảm nhận được sức mạnh của bản thân, trẻ dần xây dựng được lòng tự tin và dũng cảm đối đầu với khó khăn. Do đó, dù là chiến tích nhỏ nhất mà trẻ đạt được, mẹ cũng không nên lạnh lùng trả lời “Ừm, mẹ biết rồi”, “Chỉ là cuộc thi trong lớp thôi mà”. Ngược lại, bạn cần không ngừng động viên, khuyến khích để trẻ tiếp tục cố gắng.
4. Thất bại trong cạnh tranh dạy bé cách dũng cảm đương đầu với cuộc sống: Không phải bao giờ các bé cũng thành công trong các cuộc cạnh tranh của mình. Với sự động viên đúng lúc của bố mẹ, các bé sẽ hiểu ra được ý nghĩa thật sự của việc cạnh tranh. Đó không phải là bé đã thắng hay bại mà quan trọng hơn, bé đã chơi như thế nào, cố gắng và nỗ lực hết mình ra sao. Thất bại sẽ làm bé cảm thấy buồn nhưng đó là điều cần thiết trong sự nhận thức cuộc sống sau này của trẻ.
Cạnh tranh đem lại nhiều lợi ích song việc dạy con hiểu được vai trò của thắng và thua trong việc cạnh tranh là điều vô cùng quan trọng. Nếu trẻ có tư tưởng cạnh tranh thái quá dễ dẫn đến tính háo thắng, bất chấp để đạt được kết quả. Điều đó sẽ gây nên áp lực tâm lý nặng nè cho trẻ. Thậm chí, trong tương lai, bé càng không dám tham gia vào trò chơi mới nào nữa nếu bé nghĩ rằng: chắc chắn mình sẽ không chiến thắng.
Việc nói chuyện với con luôn là cách tốt nhất để bạn hiểu được tâm tư của trẻ, giúp trẻ nhận ra ý nghĩa thật sự của thất bại hay chiến thắng. Để trẻ hiểu rằng không ai có thể làm tốt mọi thứ ngay từ lần đầu nếu họ đã không cố gắng nổ lực hết mình trước đó. Tạo cho trẻ môi trường lạnh mạnh để chúng tự được tự do cạnh tranh.
Hãy đồng hành cùng con để con có thể trở thành người luôn khát khao chiến thắng nhưng cũng đủ dũng cảm để chấp nhận thất bại trong cuộc sống. Đừng bao giờ biến con thành kẻ tự ti, thụ động, yếu đuối hay chấp nhận thất bại khi chưa dám thử sức. Cần thấy rằng không có cạnh tranh tức sẽ không có chiến thắng!
Tú Oanh
Leave a Comment