Tôn trọng tự do và sự tập trung là tôn trọng nhân cách trẻ

Tự do luôn là thứ mà mọi người mong muốn có được. Chính tự do đã làm cuộc sống của mỗi người thật sự hạnh phúc và tươi mới. Chúng ta yêu tự do, tôn trọng tự do và đấu tranh không ngừng cho điều đó. Đối với trẻ, tôn trọng tự do và sự tập trung là tôn trọng nhân cách trẻ. Thế nhưng, có bao nhiêu người trong thế giới người lớn nghĩ rằng, chính bản thân họ đang vô tình tước đoạt đi tự do của người bên cạnh- người mà họ hết sức yêu thương, hay chí ít là họ luôn luôn khẳng định bằng lời như thế.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã là một sinh mệnh với đầy đủ tri giác, xúc giác. Chúng đến với thế giới này và mong muốn khám phá những gì vốn tồn tại đầy bí mật và cuốn hút quanh chúng. Thử một tình huống như thế này nhé: Một đứa trẻ lên một tuổi đang mê miết với chiếc muỗng trong tay. Có lẽ bé đang cố gắng lấy và đưa thức ăn vào miệng. Một ít thức ăn vương vãi xuống nền. Chiếc muỗng lật bật trong bàn tay nhỏ xíu của bé thật khó khăn. Hơn năm phút, bé vẫn chưa đưa được một ít thức ăn vào miệng.

Trong hoàn cảnh đó, các ông bố bà mẹ sẽ làm gì? Hầu hết họ sẽ đến, giằng lấy chiếc muỗng và “giúp” bé ăn hết phần thức ăn có trong chén. Bé nghĩ gì, tâm trạng bé ra sao? Bé không nói được, còn người lớn lại cho rằng chắc chắn bé đang hạnh phúc.

Một trường hợp khác: Một đứa trẻ gần hai tuổi đang mê miết cắt vụn tờ giấy mà bé mới tìm thấy. Bé vừa cắt vừa thì thầm “cá nè, thịt nè, thêm muối, tiêu, ớt,…” Có lẽ, cô bé đang học nấu ăn, một việc mà bé học được từ mẹ mỗi ngày. Thế nhưng, ngay lúc đó, mẹ đến và nhấc bổng bé lên nựng nịu. Bé khóc thét lên đầy bức bối, có lẽ bé đang rất khó chịu. Mẹ cảm nhận được sự khó chịu từ bé nhưng thay vì tìm hiểu nguyên nhân, mẹ nghĩ rằng có lẽ bé đang buồn ngủ, bé nhỏng nhẻo hoặc đói bụng. Và người lớn ngay lập tức cung cấp cho trẻ đầy đủ những thứ đó.

Thực tế, trẻ không cần tất cả những thứ đó, từ đơn giản như giúp bé đút ăn, ôm ấp, nựng nịu đến cung cấp đầy đủ thức ăn, đồ chơi cho bé. Cái mà cả hai bé trong những trường hợp trên cần là sự tự do và tập trung cao độ để học ăn, học cách mẹ làm ra thức ăn. Trong trường hợp đó, bé cần được sự tự do tối đa để tập trung trí não học hỏi và phát triển. Thế nhưng, người lớn đã không hiểu được điều đó và họ đã phá vỡ những gì trẻ đang cố công xây dựng. Vì thế, bé khóc thét lên tức giận. Tất nhiên, bé muốn đạt được điều mình muốn, bé buộc phải bắt đầu lại từ đầu.

Thử nghĩ nhé, khi người lớn đang cố tập trung hoàn thành bảng thiết kế cho căn nhà mới, ngay lúc đó, một người khác đến và đập tan ý tưởng ấy đi chỉ bằng việc “đến giờ ăn cơm rồi, đứng lên mau thôi!”. Mọi ý tưởng biến mất và anh ta bắt buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Anh ta điên tiết lên, trong nhiều trường hợp anh ta sẽ quát mắng.

Liên hệ điều này với trẻ, trẻ không xây dựng một ngôi nhà bằng xi măng, cốt thép nhưng trẻ đang xây dựng một ngôi nhà khác lớn lao hơn, vĩ đại hơn trong chính bản thân mình. Đò là ngôi nhà của những thiên tài, ngôi nhà không ngừng lớn lên và phát triển ở khắp mọi nơi.

Do đó, các bậc phụ huynh cần nhớ rằng, mọi sự tập trung ở trẻ đều đáng được tôn trọng. Chúng ta không nên quấy rầy trẻ nếu không thể cho chúng một môi trường hoàn hảo để trẻ tập trung khám phá, phát triển trí não. Thức ăn, nước uống ngon hay chiếc giường đủ êm ấm, đồ chơi sặc sỡ sắc màu chưa phải là tất cả những gì trẻ cần. Những thứ đó chỉ có thể nuôi lớn một thể xác thuần túy. Để nuôi lớn một tinh thần, trí tuệ trẻ cần nhiều hơn thế. Chúng cần một môi trường tốt với những người hiểu chúng nhiều hơn nữa.

Lộc Xuân

Leave a Comment