Tôn trọng và giải tỏa cơn tức giận cùng con

Trẻ cũng có những cơn tức giận của riêng mình trước vấn đề gây ức chế hoặc không thỏa mãn nhu cầu bản thân của chúng. Để biểu hiện cơn tức giận này, trẻ thường chọn cách khóc thét lên, nằm giãy chân dưới nền đất, gào thét, đánh đấm, vứt bỏ đồ chơi. Những biểu hiện này của trẻ khiến bố mẹ chúng cảm thấy vô cùng khó chịu và họ quy chụp chúng vào nhóm những đứa trẻ hư, khó dạy bảo.

Cách ứng xử với tình trạng này của đa phần các ông bố bà mẹ là trách mắng trẻ, phạt chúng bằng những hình phạt roi vọt để ghi nhớ với chúng rằng không được tái phạm các cách thể hiện xấu đó. Và hầu hết trong số họ đều không thu được kết quả như mình mong muốn. Trẻ vẫn khóc thét lên, thậm chí khóc lớn hơn. Vẫn đánh túi bụi vào một ai đó mà chúng có thể trút giận lên. Chúng sẵn sàng ném toẹt món đồ chơi đắt tiền mới mua từ cửa tiệm về đếm vỡ toang. Cuối cùng, chúng đành chấp nhận chịu phạt. Đến lúc đó, chừng như nỗi ấm ức trong lòng chúng sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Hoặc cũng có thể, sau khi ném vỡ tất cả đồ đạc hoặc đánh túi bụi vào ai đó, trẻ cảm thấy thật nhẹ lòng và chúng cam tâm chịu phạt mặc dù một nỗi ấm ức đáng ngại khác đang nhen nhóm lên trong chúng, nỗi ấm ức vì bố mẹ chẳng chịu hiểu chúng hay tôn trọng cảm xúc cá nhân của chúng. Điều đó thật tệ hại với một đứa trẻ, bởi chúng sẽ càng trở nên xa cách hơn với bố mẹ. Đến một lúc nào đó, chừng bố mẹ chẳng thể hiểu được chính đứa con mình đẻ ra, nuôi lớn- một điều cấm kỵ trong nuôi dạy con trẻ. Hệ quả thứ hai cũng được tạo ra từ đây là trẻ ngày càng nhiều hơn những cơn tức giận, đôi lúc chúng còn chẳng thể hiểu được cảm xúc của mình, chẳng thể hiểu được đâu là cảm xúc tốt và đâu là những cảm xúc cần loại bỏ hoặc kiềm chế. Chúng chẳng thể kiểm soát được bản thân cùng những cơn tức giận tăng dần theo thời gian.

Bản thân người lớn chúng ta cũng có những cơn tức giận vì lý do gì đó hoặc đôi khi chẳng vì lý do gì cả. Điều quan trọng là khi chúng ta tức giận chúng ta cần giải tỏa cơn tức giận đó cũng như cần có ai đó có thể hiểu, lắng nghe cơn tức giận của mình. Lúc đó, hãy liên tưởng đến trẻ và cơn tức giận của chúng.

Trước hết, cần làm gì đó để trẻ trút bỏ cơn giận của mình. Một số nhà giáo dục trẻ đã đưa ra một số cách như: hãy cho trẻ đánh vào một thứ gì đó như bao cát luyện võ của bố chẳng hạn; Vẽ những đường chi chít tức giận lên giấy rồi xé tan mãnh giấy chứa đầy tức giận đó; Nhổ sạch đám cỏ dại trước nhà;… Như một điều kỳ diệu, cơn tức giận của trẻ dần lắng xuống.

Điều này thực ra không mấy khó hiểu, bởi chính bản thân người lớn mỗi khi cơn tức giận đến, họ cần một chỗ để trút bỏ chúng. Và đánh bao cát, đập vỡ cái gì đó, hoặc viết oạch toẹt ra giấy rồi xé tan chúng là một trong những cách thường được lựa chọn. Chỉ khi cơn tức giận vơi dần chúng ta mới có thể nhận ra đúng hoặc sai. Thật khó khăn khi chúng ta đang vô cùng tức giận nhưng buộc phải kiềm chế chặt trong lòng như không hề có gì diễn ra. Sau những lần đó, ta cảm thấy thật đau khổ vô cùng, nặng nề, ức chế vô cùng. Trẻ cũng vậy. Chúng cũng là một thực thể với những cảm xúc đang không ngừng hoàn thiện trong mình.

Một câu chuyện thú vị về một bà mẹ cùng cậu con trai ba tuổi tật nguyền của mình. Vì một số khiếm khuyết trên cơ thể, do đó cậu bé này không thể tự làm được mọi việc dễ dàng như những đứa trẻ cùng tuổi khác. Chính ao ước được tự do của bản thân nên không ít lần cậu cảm thấy ức chế và cơn tức giận nhanh chóng đến với cậu hơn. Những lúc như thế, cậu trút tất cả lên người mẹ tội nghiệp của mình bằng cách đánh, cào thậm chí là cắn lên người bà. Bà mẹ gần như tuyệt vọng, cho đến một hôm, có người mách bà cách “để cho trẻ vẽ ra những cơn tức giận của mình trên giấy”. Đúng thế, sau khi cậu bé vẽ kín những được ngoằn nghoèo, gấp khúc lên tờ giấy. Cậu trút tất cả những tức giận lên trên đầu mũi viết đến khi tờ giấy đầy những lỗ thúc hằn học. Rồi cậu xé toan chúng. Mọi việc lặp lại đến tờ giấy thứ ba thì cậu ngẫn lên và ôm hôn mẹ. Cái ôm đầu tiên khi cậu kề tai mẹ thủ thỉ “Con yêu mẹ”. Mặc dù, không phải tất cả mọi lúc, cách này đều phát huy tác dụng nhưng hiệu quả mà nó đêm lại thật đáng để chúng ta phải thử.

Sau khi cơn tức giận của trẻ dần vơi, đấy là lúc mẹ nên tìm hiểu nguyên do nãy sinh cơn tức giận và giải quyết tận gốc vấn đề để tránh tái phát. Hãy bắt đầu theo kiểu

Mẹ: Con đã tức giận đến thế sao?/ Hẳn con đã rất tức giận?/ Con tức giận đến vậy chắc là vì điều gì đó tồi tệ lắm phải không?/…

Đấy là lúc trẻ trút bỏ tất cả những gì mình đã gặp phải.

Con: Không giận sao được, anh Hai đã cướp mất món đồ chơi yêu thích của con.

Mẹ: À! ra thế, nếu mẹ chắc mẹ cũng sẽ giận. Nhưng món đồ chơi nào vậy con?

Con: Là chiếc xe ô tô màu đỏ.

Mẹ: Có chiếc xe ô tô màu đỏ nào là đồ chơi của riêng con đâu nhỉ?

Con: Nhưng con đang chơi nó mà!

Mẹ: Vậy con sẽ thấy thế nào nếu có ai đó chơi một mình món đồ chơi mà con cũng yêu thích suốt cả một buổi sáng nhỉ?

Con: Con sẽ buồn.

Đến lúc đó, mọi chuyện đã rõ và mẹ thật không khó để dạy trẻ hiểu chúng đã sai ở đâu cũng như cách chúng phải ứng xử làm sao cho đúng. Vậy là một lúc, mẹ đã có thể giải quyết tốt cùng lúc hai vấn đề khó giải. Vấn đề thứ nhất chính là cơn tức giận của con. Vấn đề còn lại là đã chỉ ra cho trẻ thấy nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó, cách giải quyết, mặt đúng, mặt sai từ chính những gì trẻ đã làm. Một hiểu quả nữa có thể có ở đây là chỉ cho trẻ thấy những gì đã xãy ra khi trẻ tức giận. Những tờ giấy trắng đẹp đẽ giờ không còn nữa mà trở nên nhăn nhó, xấu xí, thậm chí ránh bươm thành nhiều mãnh. Nếu trẻ trút cơn giận đó lên những cái đánh túi bụi vào người khác hoặc đập vỡ đồ chơi thì hậu quả thật đáng buồn biết bao.

Trẻ em là những mầm non đầy nhạy cảm, mầm non đó sẽ phát triển thẳng theo hướng mặt trời đầy khỏe mạnh hoặc sẽ là một thân cây cong veo, xù xì, mệt mỏi đều nằm ở sự nuôi dưỡng, chăm sóc của bố mẹ cùng những người lớn ở quanh chúng. Hãy làm điều tốt đẹp vì mầm non ấy.

Lộc Xuân

Leave a Comment