Ứng phó với bé trong các tình huống ngày Tết

Tết luôn là dịp các bé mong chờ nhất trong năm, bởi Tết luôn gắn liền với quà lì xì mừng tuổi, được mặc quần áo mới đi chơi khắp nơi và nếm thỏa thích nhiều món ngon thú vị.

Tuy nhiên, với lịch thăm viếng người thân, gặp gỡ bạn bè liên tục trong ba ngày Tết khiến bé không tránh khỏi những khó chịu về cả tinh thần và sức khỏe. Những khó chịu đó đôi khi gây ra không ít phiền toái hay những tình huống khó xử cho cả bố mẹ và khách đầu năm. Để ngày tết trôi qua thật suôn sẻ và tràn đầy niềm vui, ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ hãy giúp bé chuẩn bị phần nào những kiến thức cần thiết về ý nghĩa và tập tục của ngày Tết để bé hiểu hơn về ngày lễ lớn trọng đại đầu năm này.

Dạy con không vòi tiền lì xì: Lì xì đầu năm luôn được xem như phong tục đẹp của ngày Tết Việt Nam. Tuy nhiên, chính phong tục này đã gây ra không ít rắc rối cho bố mẹ nếu không có sự chuẩn bị từ sớm. Những tình huống không hiếm gặp như các bé tìm cách lân la để gây sự chú ý của khách, nhắc nhở kiểu “cô/chú chưa lì xì cho con!”, tranh nhau phong bao đẹp, so sánh quà nhiều, quà ít,…. Những lúc như vậy thường khiến người lớn thật khó xử, để tránh trường hợp này xảy ra bạn nên nói chuyện với con trước về ý nghĩa của việc nhận quà mừng tuổi. Cần nhẹ nhàng nhắc nhở con không nên “vòi vĩnh” tiền lì xì từ người lớn bởi đó là hành động không hay, trẻ ngoan không bao giờ làm như vậy hay nếu con làm như vậy thì năm sau sẽ không được ai lì xì nữa,…

Bé quấy phá bàn ăn: Đi chúc Tết cũng có nghĩa là lúc được chủ nhà mời rất nhiều món ngon, có những món đặc biệt riêng ngày tết mới có. Vì thế, khó tránh khỏi việc một số bé thi nhau “khám phá” các món ngon, và rắc rối thật sự khi các bé “ầm ĩ” để tranh món kẹo “hấp dẫn” trên bàn.

Trong những tình huống như vậy, việc bạn lớn tiếng trách mắng trẻ chỉ càng làm tình hình thêm tệ hại và người thua cuộc luôn là bạn. Do đó, thay vì nổi nóng, bạn có thể đánh lạc hướng sự chú ý của bé bằng cách như: “Mấy con nhìn xem, cây mai nhà bác nở đẹp quá, mấy mẹ con mình cùng ra xem đi” hay bày một trò chơi nho nhỏ để các bé chơi thi, ai thắng sẽ dành phần hơn.

Sau khi về nhà bạn có thể răn dạy bé bằng cách thấu hiểu: “Nếu con là cô chú đó, con có thấy khó chịu không, hành động của con như vậy là đúng hay sai, nếu tiếp tục ba mẹ sẽ không thể đưa con đi chơi nữa.” Tốt nhất, để ngăn ngừa trước tình huống này, hằng ngày các ông bố bà mẹ nên dạy con cách từ tốn, lễ độ bên bàn ăn nhằm tạo thói quen cho bé.

Bé không cho ba mẹ “động” vào tiền mừng tuổi: Tết cũng là dịp bé có cơ hội “sở hữu” một khoản tiền lớn từ các phong bao lì xì. Tuy nhiên, việc để bé tự “bảo quản” những món quà đó quả là không mấy thích hợp bởi việc đánh mất hay thất lạc không phải hiếm gặp. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần thiết để biết số quà có trong phong bao mỗi khách lì xì cho bé. Thế nhưng, hầu hết các bé đều cho rằng nó là quà của riêng mình, thuộc quyền sở hữu của bé. Do vậy, bé khăng khăng không để bố mẹ có cơ hội chạm đến tiền mừng tuổi của mình.

Lúc này, các ông bố bà mẹ nên nhẹ nhàng “thương thảo” cùng con. Có thể bàn với bé về việc cho tiền vào heo đất để sau này con lớn lên dùng hay con có thể để ba mẹ giữ giúp, khi nào con cần mua gì ba mẹ sẽ trả lại hay con giữ tiền sẽ rất dễ mất,… Việc thương thảo này nên hết sức nhẹ nhàng để bé dễ nghe, hiểu và chấp nhận. Tất nhiên, trong cuộc đàm phán đó, bố mẹ cũng nên lựa chọn thời cơ thích hợp để đảm bảo phần thắng thuộc về mình mà không ảnh hưởng đến tâm lý bé, hay sự chú ý vô tình của khách.

Bé không trả lời: Khi được đưa đi thăm hỏi nhiều nơi, có những nơi hoàn toàn xa lạ và những người lần đầu tiên bé gặp. Với những bé còn rụt rè, nhút nhát sẽ mau chóng co mình lại vì sợ, lạ và không trả lời bất kì câu hỏi nào. Khi bé buồn và không cởi mở rất dễ làm không khí mất vui.

Những lúc này, ba mẹ nên tạo không khí vui vẻ, thân thiện để bé bớt lạ. Bạn có thể hỏi những câu hỏi ngộ nghĩnh để kích thích bé trả lời như: “Tuần vừa rồi con có được cô tặng phiếu bé ngoan không nói cho chú biết đi con, Con thích đi chơi ở đâu nhất?, Bạn Cún của con tên gì? Con còn biết hát bài gì nè?… Những câu hỏi đơn giản, không cần suy nghĩ sẽ giúp bé dễ hòa đồng hơn.

Bên cạnh đó, trước lúc đi chơi cả nhà nên tạo không khí vui vẻ để bé cảm thấy luôn thoải mái, phấn khích.

Dạy bé cách cảm ơn người lớn: Tết là thời điểm thích hợp để các ông bố bà mẹ thường xuyên nhắc nhở con về thái độ lễ phép. Khi vào nhà cũng như ra khỏi cửa phải biết chào hỏi người lớn cũng như lời cảm ơn khi nhận đồ từ người khác.

Trước khi đưa bé đi chúc Tết, bạn có thể cho con biết trước nên xưng hô ai bằng các cách nào như: cô, chú, bác, dì, ông, bà…như vậy sẽ dễ dàng hơn cho các bé. Luôn nhắc bé nhẹ nhàng bởi việc trẻ hay quên cũng là bình thường. Tuy nhiên, không nên gượng ép bé khi bé nhất thiết không nói lời cảm ơn hay chào hỏi mà hãy chọn thời điểm thích hợp để tìm hiểu nguyên nhân cũng như nói chuyện với bé về vấn đề này.

Dạy con biết tri ân ông bà: Nếu dẫn bé đến nhà ông bà, hãy dạy con những câu chúc Tết đơn giản, ngắn gọn như “con chúc ông/bà khỏe mạnh” và tự tay lì xì mừng tuổi đến ông bà. Lời chúc đầu năm luôn mang lại niềm vui và sự thoải mái cho các thành viên trong gia đình, và điều này cũng tạo ra một hiệu ứng vô cùng tốt đẹp cho bé trong ngày. Đừng quên giải thích cho bé hiểu tại sao cần nói lời chúc Tết, ý nghĩa của lời chúc. Khi trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động đó, trẻ sẽ dễ dàng tự giác nói lời chúc hơn là đợi người lớn nhắc nhở, và bé sẽ tự mình phát sinh những động lực tri ân, những hành động tốt đẹp khi bé trưởng thành.

Tú Oanh

Leave a Comment