Không phải dễ để cho các ông bố bà mẹ biết cách phạt trẻ như thế nào cho đúng cách khi chúng làm vỡ đồ dùng. “Con không được động vào thứ đó!” gần như là hiệu lệnh chung mà các ông bố, bà mẹ luôn đặt ra cho con cái của họ. “Không được thế này, không được thế kia!” mỗi khi trẻ muốn chạm tay đến bất cứ thứ gì dễ vỡ như ly tách, chén đĩa, bình cắm hoa, hoặc cả chiếc iphone mới cáu,… Trong khi đó, trẻ lại vô cùng tò mò, càng cấm càng như hối thúc, giục giã lòng ham muốn khám phá của trẻ. Vì thế, bất kỳ lúc nào có cơ hội, ngay lập tức trẻ sẽ chộp lấy cái mà nó luôn bị cấm để thỏa chí đam mê học hỏi của bản thân. Lẽ hiển nhiên, cùng với nỗi sợ bị phát giác và sự vụng về của đôi tay chưa được trải nghiệm, trẻ sẽ làm vỡ, hỏng thứ mà chúng vừa có cơ hội chạm tới.
Như một bản năng, hầu hết các ông bố, bà mẹ sẽ đưa ra hình phạt với con cái họ. Đồng thời, lệnh cấm mới, nghiêm khắc hơn sẽ được ban hành. Tuy thế, kết quả họ thu được càng ngày càng không như họ muốn. Trẻ sẽ càng hiếu động hơn, tò mò hơn, thích khám phá,… theo kiểu mà người lớn luôn kết án là hư, “phá không chịu nỗi”,… Thực tế, sai lầm không nằm ở trẻ, hay bản năng thích khám phá đang không ngừng phát triển thôi thúc từng giờ, từng phút trong bộ óc non tơ ấy. Sai lầm chính ở chúng ta.
Hãy thử nghiệm với chính con của mình một lần để có được câu trả lời thuyết phục nhất. Hãy cho phép con mình được uống nước trong chiếc cốc thủy tinh mới, đẹp nhất và nói với trẻ rằng: “Con phải hết sức cẩn thận, nếu không chiếc cốc sẽ vỡ mất, như thế con sẽ không còn chiếc cốc đẹp để uống nước nữa!” hay tương tự như thế. Bạn sẽ bất ngờ với sự khéo léo, cận thận đến mức khó tin từ cậu con vốn hậu đậu của mình. Thậm chí, trong một vài trường hợp, đứa trẻ không ngừng nhắc mình “cẩn thận! cẩn thận!”
Cũng có thể, trẻ sẽ đánh rơi chiếc cốc thủy tinh trong lần đầu trải nghiệm. Đừng vội trách chúng. Hãy cho chúng cơ hội lần thứ hai hoặc kiên nhẫn thêm vài lẫn nữa. Bởi, sau khi đánh vỡ chiếc cốc, trẻ sẽ nhận ra cái cốc đẹp đẽ ban đầu đã không còn nữa. Việc chúng làm rơi đồ đã làm mất đi món đồ xinh đẹp mà chúng hằng khao khác. Trong chúng, sẽ hình thành nên ý thức phải cẩn thận để đảm bảo không làm biến mất món đồ dễ biến mất sau sơ ý của bản thân. Việc luyện tập có thể tốn thêm vài lần hư hỏng nữa nhưng chắc chắn rằng, sau đó, các ông bố, bà mẹ sẽ không phải tốn thêm thời gian, công sức để nhắc trẻ “không được động đến cài này, cái kia nhé con!”
Bạn hãy tin rằng, mỗi trẻ em được sinh ra đều đã là một thiên tài. Chỉ có điều, những thiên tài đó liệu có đủ điều kiện để phát triển và phát huy hết những gì mình có hay không mà thôi!
Leave a Comment